Hiệu quả từ chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng lũ

06:31' - 19/01/2016
BNEWS Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ triển khai hơn 10 năm giúp người dân có cuộc sống ổn định, an toàn. Nhưng trên thực tế có những nơi vẫn chưa thu hút được đông đảo người dân vào ở.
Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại nơi ở mới, chất lượng công trình nhà ở còn kém cũng khiến hiệu quả của chương trình giảm đi ít nhiều.

BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng về những giải pháp để thu hút người dân vào định cư tại các cụm dân cư cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân ổn định cuộc sống.

BNEWS: Thủ tướng đồng ý kéo dài giai đoạn 2 của Chương trình để tiếp tục làm nốt các hạng mục còn lại, vừa rà soát, bổ sung các cụm, tuyến dân cư cần phải thực hiện mới. Vậy ông cho biết đến nay tiến độ thực hiện của Chương trình này đến nay như thế nào?

Ông Vũ Xuân Thiện: Về rà soát, bổ sung các cụm, tuyến dân cư cần phải thực hiện mới, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, bổ sung các cụm tuyến dân cư giai đoạn 2 kéo dài (2016-2020).

Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn này sẽ có 128 dự án; trong đó, xây dựng 85 cụm, tuyến dân cư; xây dựng 43 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho khoảng 45.000 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định.

Bộ đã kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành các công việc còn lại của giai đoạn 2 và hướng dẫn, rà soát các dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn.

Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Năm địa phương được kiểm tra gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ từ ngày 13/12-18/12/2015.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra, Bộ Xây dựng soạn thảo và đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan các nội dung của tờ trình Thủ tướng CP và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách đầu tư bổ sung các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn giai đoạn 2 kéo dài (2016-2020), dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 1 năm nay.

BNEWS: Dù được cho là có điều kiện sống tốt nhưng thực tế Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thu hút được đông đảo người dân vào định cư tại các cụm tuyến dân cư. Xin ông cho biết đâu là lý do và giải pháp để các cụm dân cư vượt lũ ”hấp dẫn” người dân hơn?

Ông Vũ Xuân Thiện: Không thể nói, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long chưa thu hút được đông đảo người dân vào định cư tại các cụm tuyến dân cư vì trên thực tế cho đến thời điểm này ở cả 2 giai đoạn đã hoàn thành 982 dự án với số hộ dân đã vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn là 190.831 hộ, đạt 94,1% kế hoạch.

Toàn bộ 2 giai đoạn chỉ còn 5,9% số hộ dân chưa vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn. Tỷ lệ này không phải là lớn so với một dự án rất lớn, rất đồ sộ trong việc di chuyển trên 190.000 hộ dân từ chỗ ở phân tán, không an toàn trong mùa lũ, không ổn định, không an cư lạc nghiệp giờ họ được về trong các cụm tuyến có cuộc sống rất ổn định.

Các hộ dân triển khai xây dựng nhà ở trên tuyến dân cư vượt lũ ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú(An Giang). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Nhà ở an toàn, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, có nhà trẻ, có trường mẫu giáo, trường học, trạm xá, có điện nước, cây xanh… Tôi nghĩ đây cũng là thành công rất lớn của chương trình.

Còn một người dân chưa vào ở, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: việc bình xét đối tượng được thụ hưởng chính sách tại các địa phương còn chậm.

Một số hộ dân trong diện đối tượng nhưng đi làm ăn xa chưa về làm nhà được. Một số ít bỏ đi nơi khác, hoặc đã chết hoặc có địa phương lựa chọn địa điểm xây dựng không phù hợp....

BNEWS: Qua tổng hợp từ các địa phương, hiện nay vốn vay mua nền nhà của nhiều hộ dân đã hết thời hạn trả nợ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chưa trả được nợ do điều kiện khó khăn. Vậy cần có hỗ trợ nào cụ thể nào từ Chính phủ để người dân sớm ổn định cuộc sống, hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thưa ông ?

Ông Vũ Xuân Thiện: Với chương trình này, ngoài nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ còn có hai nguồn vốn vay nữa, đó là nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển để mua nền nhà và nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây nhà.

Đây là hai nguồn vốn mà người dân và địa phương vay để hỗ trợ người dân với lãi suất là 0% với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 3%/năm với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đến nay, cũng có những địa phương vận động người dân thu hồi nợ tốt nhưng cũng có những hộ dân do không có đất sản xuất, không có công việc ổn định, phải làm thuê để kiếm sống … do vậy họ chưa có điều kiện để trả nợ đúng hạn như báo cáo của một số địa phương.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất phương án xử lý nợ quá hạn và được Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo với nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; giãn nợ 5 năm với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

BNEWS: Bên cạnh hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống thì về lâu dài, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể nào để Chương trình mang lại hiệu quả cao nhất?

Như tôi đã nói chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp dân ổn định cuộc sống, giúp người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi quan niệm, thói quen sống lênh đênh trong mùa nước nổi.

Từ khi có chương trình, người dân được an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, khi về trong cụm tuyến thì cũng có những người già, hoặc đến tuổi mới lớn thì cũng gặp khó do đất đai hạn chế nên việc phát triển sản xuất còn khó khăn.

Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu có những chương trình lồng ghép vào chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng lũ như: Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp để giải quyết lao động, góp phần tạo việc làm cho người dân trong các cụm, tuyến dân cư.

Các địa phương cũng cần chủ động lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để xây dựng hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, chợ... phục vụ nhu cầu thiết yếu của các hộ dân trong cụm tuyến dân cư và khu vực lân cận.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục