Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân

11:15' - 23/11/2023
BNEWS Tại thành phố Hải Phòng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Chất lượng tín dụng không ngừng nâng lên, đa dạng hóa các chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện giúp những người yếu thế trong xã hội, hội viên Hội Nông dân được vay vốn, giải quyết những khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Kênh tín dụng an toàn

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cùng sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội đã hình thành một kênh tín dụng an toàn, hữu hiệu, thuận lợi, nhanh chóng dành riêng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hải Phòng Trần Quang Tường, trên địa bàn thành phố, các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, việc triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương có phần đóng góp không nhỏ của các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Nổi bật là Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Hải Phòng đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố giúp nông dân vay vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hoạt động phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân thành phố thực hiện theo Văn bản liên tịch số 26/VBLT ngày 6/1/2022 về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong quá trình tổ chức thực hiện ủy thác, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động tín dụng chính sách; ban hành văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Đến ngày 31/7/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ủy thác các cấp Hội Nông dân quản lý 753/2.666 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 1.228 tỷ đồng, với 28.829 tổ viên đang còn dư nợ, chiếm 27,5% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Hải Phòng, kết quả trên khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các cấp Hội Nông dân qua công tác ủy thác. Phát huy điểm mạnh của một bên là Ngân hàng - tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn vay theo quy định và một bên là mạng lưới tổ chức Hội Nông dân trải rộng từ thành phố đến cơ sở... tham gia thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã và đang là cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng "có vay có trả"; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, nắm bắt thị trường. Các cấp Hội Nông dân qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ Hội nông dân; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội.

Sử dụng vốn hiệu quả

Tiên Lãng là một trong số những huyện của thành phố Hải Phòng sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân hiệu quả. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Miện cho biết, Hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương, nhân rộng các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã có cách thức tổ chức và quản lý hiệu quả. Đồng thời, Hội tổ chức các chương trình giúp các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, các cấp Hội toàn huyện Tiên Lãng đã thành lập được 109 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, nhận ủy thác trên 173 tỷ đồng cho 3.794 hộ vay từ Ngân hành Chính sách xã hội; Quỹ Hỗ trợ nông dân với hơn 8,5 tỷ đồng, 50 dự án cho 246 hộ nông dân vay, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Cùng đó, Hội đã tập trung chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ "Sản xuất kinh doanh giỏi", chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, là cơ sở để phát triển Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Toàn huyện đã thành lập được 2 Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Hội còn chủ động phối hợp với các cấp, ngành xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho 10 sản phẩm, gồm: Trứng vịt Chấn Hưng, trứng gà ta Chiêu Viên, chuối tây, trứng gà Duy Nhất, nấm sò, tinh bột nghệ bà Guốt, trà củ sen, tinh bột củ sen, gạo nếp cái hoa vàng, nấm đông trùng hạ thảo khô liên hoa…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Dương Đỗ Thế Anh, một trong những hoạt động hỗ trợ của Hội là đẩy mạnh phối hợp, đa dạng hóa các nguồn vốn cho hội viên nông dân vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay đã thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đạt hiệu quả cao, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững.

Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, kinh tế vươn lên khá giàu. Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện có các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh, làng nghề sản xuất, kinh doanh bánh đa... Cùng với thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra các sản phẩm có giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện, huyện An Dương có 26 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Tính đến tháng 11/2023, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong huyện đang quản lý 5,67 tỷ đồng với 163 lượt hộ vay, xây dựng 50 mô hình trồng trọt, chăn nuôi của 30 Tổ Hợp tác.

Thực hiện chủ trương của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các cấp chính quyền cơ sở triển khai tốt các chương trình cho vay. Đến hết năm 2022, đã có 3.300 hội viên nông dân được vay vốn thông qua 86 tổ Tiết kiệm và Vay vốn với tổng dư nợ 128,4 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số vốn ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội trong huyện.

Thông qua nguồn vốn, nhiều gia đình hội viên nông dân đã đầu tư phát triển, mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục