Tín dụng chính sách đồng hành cùng hộ nghèo phát triển kinh tế

19:34' - 21/11/2023
BNEWS Với việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Hộ bà Cao Thị Chính, ở ấp Hòa Thuận II, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trước đây là hộ nghèo với cuộc sống nhiều khó khăn. Do không có đất sản xuất, vợ chồng bà sống bằng nghề làm thuê cho những người trong xóm.

Đến năm 2014, khi căn nhà lá của gia đình bà Chính xuống cấp, Ủy ban nhân dân xã Mong Thọ A tư vấn cho bà vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 8 triệu đồng để xây nhà, đồng thời vay thêm 3 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để nuôi lợn nên cuộc sống gia đình dần ổn định hơn.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, mưa bão đã làm tốc mái và hư hỏng căn nhà. Cùng thời điểm đó, đàn lợn nuôi cũng bị dịch bệnh nên gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn. Xét thấy hoàn cảnh bà Chính, Ủy ban nhân dân xã Mong Thọ A và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành đã cho khoanh nợ số tiền 11 triệu đồng trước đó đã vay để gia đình yên tâm sản xuất.

“Gia đình tôi thoát nghèo và có cuộc sống ổn định như hiện nay là nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và nhờ được khoanh nợ kịp thời. Vợ chồng tôi nuôi lợn, thuê ruộng của người thân để làm và cũng đi làm mướn thêm khi rảnh rỗi. Nhờ đó, đến tháng 8/2022 tôi đã trả hết số tiền vay 11 triệu đồng và thoát nghèo. Gần đây gia đình đang đề nghị vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình cho vay hộ cận nghèo 30 triệu đồng để mướn thêm ruộng làm với hy vọng sớm thoát hộ cận nghèo”, bà Chính chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, ấp Thạnh Lợi, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành cho biết, trước khi được vay vốn trồng ổi để có cuộc sống ổn định như hiện nay, gia đình chị cũng luôn trong cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Năm 2021, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để cải tạo vườn tạp và mua cây ổi giống về trồng trên diện tích 1.000 m2.

“Chồng tôi làm thợ hồ, thu nhập từ 250.000 đến 300.000 đồng/ngày, nhưng cũng không thường xuyên. Nhờ có nguồn thu nhập từ vườn ổi khoảng 20 triệu đồng/năm mà vợ chồng tôi có cuộc sống ổn định hơn và cuối năm 2022 cũng thoát nghèo. Vợ chồng tôi luôn nhắc nhau nỗ lực vươn lên và để dành tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng đều đặn hàng tháng”, chị Oanh cho biết.

“Trước đây, tôi nghĩ rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng nên không dám đi làm hồ sơ vay. Vậy nên 4 năm qua tôi hùn ít vốn nuôi thỏ cùng người em trai. Gần đây, qua tìm hiểu, tôi đã làm hồ sơ và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành cho vay 70 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, thức ăn nuôi thỏ. Gia đình tôi làm 1,5 ha đất ruộng, nhưng không có dư. Hy vọng mô hình nuôi thỏ sẽ giúp tăng thu nhập để kinh tế gia đình sắp tới khá hơn”, ông Trần Kim Hồng, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành chia sẻ.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang cho biết, tổng nguồn vốn đến ngày 31/10 của Ngân hàng gần 5.400 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm 2023, tương đương 12,5%. Tổng dư nợ đạt 5.379 tỷ đồng, tăng 595 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 75,6% kế hoạch tăng trưởng năm 2023. Tổng số khách hàng đang vay vốn gần 157.600 hộ; dư nợ bình quân 34,13 triệu đồng/khách hàng. Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 31/10/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân được 4.776 khách hàng với số tiền gần 588 tỷ đồng; dư nợ còn lại hơn 580 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang, nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Kiên Giang tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị cùng cấp chỉ đạo, đôn đốc các Ban, ngành thường xuyên phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát đối tượng, triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng hạn.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao năng lực của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; đôn đốc các đơn vị tăng cường thu hồi lãi tồn đọng, thu lãi và nợ đến hạn phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu lãi giao quý 4/2023”, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục