Hiệu quả từ thí điểm nạo vét khoán gọn tuyến luồng Hải Phòng

09:25' - 05/05/2017
BNEWS Hình thức nạo vét khoán gọn này rất hiệu quả do tiết kiệm chi phí, giảm bớt thời gian thực hiện.

Ông Lưu Văn Quảng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho biết: Tổng Công ty đang quản lý, khai thác tuyến luồng hàng hải Hải Phòng với chiều dài hơn 70 km, độ sâu thiết kế -7,0m, hàng năm đón gần 20.000 lượt tàu biển hàng hải với sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 75-85 triệu tấn.

Tuy nhiên, tuyến luồng thường xuyên bị sa bồi. Những năm trước đây, tuyến luồng được nạo vét duy tu định kỳ 2 lần/năm. Sau nạo vét độ sâu thiết kế chỉ duy trì được khoảng 2 tháng, sau đó tuyến luồng lại bị bồi lấp với tốc độ trung bình 0,1-0,2 m/tháng.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đưa tàu vào cảng của các chủ tàu và chủ hàng, làm tăng chi phí phát sinh do phải chuyển tải hàng hóa do không đủ độ sâu chạy tàu.

Từ năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thí điểm cơ chế nạo vét duy tu tuyến luồng Hải Phòng theo hình thức khoán gọn theo Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Kết quả cho thấy, hình thức nạo vét khoán gọn này rất hiệu quả do tiết kiệm chi phí, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, so với việc thực hiện như những năm trước đây; nhà thầu chủ động trong việc thực hiện nạo vét, đảm bảo duy trì độ sâu theo chuẩn tắc theo hợp đồng khoán gọn.

Cùng với đó, tuyến luồng được đảm bảo duy trì chuẩn tắc thường xuyên, góp phần đảm bảo an toàn cho phương tiện thuỷ hàng hải trên luồng, đáp ứng yêu cầu khai thác hệ thống cảng biển tại Hải Phòng; các doanh nghiệp khai thác cảng thuận lợi hơn trong việc lập kế hoạch điều động tàu ra vào cảng, ít phải phụ thuộc vào mực nước thủy triểu; thời gian tàu nằm chờ đợi do ảnh hưởng của mực nước để đến, rời cảng giảm đáng kể.

Công tác hoa tiêu dẫn tàu trên luồng cũng được thuận tiện hơn, giảm bớt áp lực phải lựa chọn giờ thủy triều cao để dẫn tàu, qua đó đảm bảo an toàn hàng hải, tránh va khi hành hải trên luồng. Kết quả, trong năm 2016, khu vực cảng biển Hải Phòng tiếp tục đạt sản lượng hàng hóa thông qua cao với hơn 80 triệu tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (80 triệu tấn).

Tuy nhiên, việc thí điểm nạo vét khoán gọn tuyến luồng Hải Phòng kết thúc vào cuối năm 2016. Từ sự thành công của việc thí điểm này, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc đề nghị Chính phủ cho phép triển khai mở rộng cho các tuyến luồng trọng điểm khác trong những năm tới để đạt được hiệu quả cao trong việc khai thác luồng và tiết kiệm kinh phí của Nhà nước.

Ông Lưu Văn Quảng cho biết thêm, lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải tại Việt Nam hiện tại cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hành hải. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách nên đến nay việc thực hiện còn rất hạn chế, mới chỉ dừng lại ở các thiết bị truyền thống như: đèn biển, phao tiêu báo hiệu, hải đồ giấy...

Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc mong muốn Chính phủ tạo cơ chế huy động nguồn vốn, cho phép nguồn thu phí bảo đảm hàng hải là doanh thu của các Tổng Công ty Bảo đảm Hàng hải theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ - CP ngày 13/8/2016 của Chính phủ, tạo điều cho doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển sản xuất để thực hiện Đề án như: tìm nguồn vốn viện trợ, vốn vay ODA, sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải còn dư...nhằm hiện đại hóa lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, đảm bảo an toàn tuyệt đối và thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động trên biển, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược biển đến năm 2020.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục