Hiểu rõ bệnh viêm gan cấp tính để chủ động phòng ngừa

18:35' - 13/05/2022
BNEWS Đến thời điểm này, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện ở 23 quốc gia với trên 300 trường hợp mắc bệnh.

Bệnh xảy ra ở những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do virus viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 1/10/2021 đến nay.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được các nhà khoa học tiến hành.

 

*Tăng cường giám sát, chủ động ứng phó

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 7/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Tại Việt Nam, để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Viện đầu ngành, các bệnh viện, ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, trong đó thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.

Đồng thời yêu cầu các Sở Y tế tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân.

Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.

Tổ chức truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng chống tạm thời. Trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.

Trước mối nguy của căn bệnh "bí hiểm" có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với Tổ chức Y tế Thế giới về căn bệnh viêm gan cấp ở trẻ em để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị.

*Nắm rõ các triệu chứng của bệnh

Về khả năng bệnh bệnh viêm gan cấp tính trẻ em xuất hiện ở Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện tản mát ở hơn 20 quốc gia nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây, hay dịch tễ.

Tại Đông Nam Á đã ghi nhận rải rác các chùm ca bệnh và tử vong. Vì vậy, khả năng xuất hiện các chùm ca bệnh với tính chất tương tự ở Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng. Các xét nghiệm men gan để sàng lọc chỉ cần thực hiện ở các đối tượng nguy cơ cao do bác sĩ chỉ định, không cần thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan, chức năng gan vì không cần thiết.

Cùng quan điểm với bác sĩ Hoa, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý các gia đình không chủ quan với viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân nhưng lo lắng thái quá là không cần thiết. Việc vội vã tự ý cho trẻ xét nghiệm men gan có thể không phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe, đôi khi bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác.

Để phòng bệnh gan nói chung và phòng bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân đang có xu hướng gia tăng hiện nay, các chuyên gia y tế lưu ý, biểu hiện lâm sàng viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tương tự với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E (mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng trong vòng 3 – 10 ngày đầu tiên;

Sau đó vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu có thể xuất hiện, khi vàng mắt vàng da xuất hiện thì bệnh nhân không sốt). Đa số trẻ sẽ tự hồi phục hoàn toàn.

Cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng này và đưa con em đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, nhất là khi có vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu xuất hiện.

Bên cạnh đó, biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt mũi miệng của mình) và ăn chín uống chín. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục