Hiệu ứng từ cú hích đầu tư công
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công đạt gần 680.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thực hiện năm 2023. Nhìn lại giai đoạn 2018-2023, giải ngân đầu tư công liên tục tăng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia phân tích của Agriseco nhấn mạnh: Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động. Theo Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
Theo đó, rất nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công, nhưng nhóm hưởng lợi trực tiếp đầu tiên là vật liệu xây dựng. Nhóm này sẽ được hưởng lợi ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Tùy vào đặc thù của từng ngành, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau.
Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi hơn.
Nhóm xây dựng hạ tầng cũng được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án) tăng doanh thu và lợi nhuận.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), năm 2024 được coi là năm quan trọng để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và khởi đầu Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, những vướng mắc đầu tư từ những năm trước đã được giải quyết, đặc biệt là trong các quá trình giao thầu và khai thác nguyên vật liệu. Hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và năm nay trở thành thời kỳ đẩy nhanh tiến độ.
VFS cho rằng, giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 có thể đạt khoảng 85-90% kế hoạch, tương đương với mức tăng trưởng từ 38-45% so với năm 2023. Với quan điểm này, nhóm các ngành hưởng lợi được kỳ vọng sẽ là xây dựng hạ tầng; trong đó, có các công ty như: Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (mã chứng khoán: CTR), Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV ); các doanh nghiệp ngành nguyên vật liệu xây dựng như: Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG).
Hiện nay, các doanh nghiệp chưa có báo cáo quý I/2024, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp hưởng lợi đầu tư công năm 2023 cho thấy sự hồi phục tích cực.
Với Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel, năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 11.299 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 645 tỷ đồng và 517 tỷ đồng, đều tăng hơn 13% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả có doanh thu hợp nhất 2.686 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng, tăng gần 22%.
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, kết quả kinh doanh cải thiện rõ rệt trong quý IV/2023. Doanh thu của Tập đoàn ghi nhận đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249%.
Chuyên gia từ VFS nhìn nhận: Những nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến nhiều nhóm ngành vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics.
VFS cho biết, các dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 có quy mô và mức đầu tư lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, tạo ra nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng.
Chính phủ đã quyết tâm đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tiền độ giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 4766/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Văn bản này cho phép các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác mỏ vật liệu mà không cần thực hiện cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản theo Luật Khoáng Sản.
Bộ Xây dựng gửi công văn số 4682/BXD – KTXD về việc công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng. Công văn yêu cầu địa phương phối hợp và yêu cầu chủ đầu tư dự án cung cấp danh sách các loại vật liệu chưa có trong danh sách công bố giá vật liệu của địa phương, hoặc đã công bố giá nhưng chưa đúng với giá thị trường để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng yêu cầu hàng loạt địa phương công bố giá vật liệu theo diễn biến thị trường hàng tháng và nhiều địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Điều này giúp bảo vệ các doanh nghiệp xây dựng khỏi các biến động giá nguyên vật liệu trong quá trình thi công dự án.
Những giải pháp trên của Chính phủ giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo được nguồn vật liệu xây dựng và duy trì được biên lợi nhuận trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp cũng giúp cho các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngành xây dựng vốn là một trong những ngành có tỷ lệ nợ vay cao, với chi phí lãi vay trung bình chiếm khoảng 57% tổng các loại chi phí (không kể giá vốn hàng bán) nên lãi suất giúp doanh nghiệp "nhẹ gánh" trả nợ.
Giá nguyên vật liệu hạ nhiệt cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện lợi nhuận. Vật liệu xây dựng là yếu tố đầu vào quan trọng đối với các doanh nghiệp xây dựng khi loại chi phí này thường chiếm đến 70% tổng chi phí và khó có khả năng kiểm soát nhất. Theo đó, thép là vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 45%. Vì vậy, biến động của giá thép sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Giá thép xây dựng tính đến cuối năm 2023 dao động trong khoảng từ 13,8-15,3 triệu đồng/tấn. Đầu năm 2024, giá thép tăng từ 150.000 – 370.000 đồng/tấn lên mức từ 14 - 14,5 triệu đồng/tấn sau đó đi ngang đến cuối tháng 2.
VFS dự báo giá thép vẫn sẽ duy trì quanh vùng hiện tại trong năm 2024 do lượng hàng tồn kho trong nước vẫn ở mức cao. Nguyên vật liệu giá rẻ sẽ dần phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong các quý tới.
- Từ khóa :
- đầu tư công
- giải ngân đầu tư công
- Viettel
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
13:37' - 23/03/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
-
Phân tích doanh nghiệp
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng chờ hiệu ứng từ đầu tư công
21:19' - 21/03/2024
Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
-
Kinh tế Việt Nam
Bắc Ninh đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công
18:08' - 19/03/2024
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai, giải ngân nguồn vốn đầu tư công; trong đó, quyết tâm đẩy nhanh các dự án trọng điểm.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.