Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Làm sao để không "bỏ sót"?

07:06' - 07/10/2016
BNEWS Là địa bàn có số lượng lớn người có công với cách mạng, làm sao để không “bỏ sót” đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở là một trong những nỗ lực rất lớn của Thanh Hóa.
Làm sao để không “bỏ sót” người có công trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở là một trong những nỗ lực rất lớn của Thanh Hóa. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù hầu hết các địa phương đã tập trung triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ nhà ở với sự tham gia của các cấp, các ngành liên quan và cơ bản đảm bảo các mục tiêu nhưng vẫn đòi hỏi việc thu xếp nguồn vốn cần sát sao và đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho phù hợp với thực tế. 

Là một tỉnh có địa bàn rộng, nhiều đơn vị hành chính, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi và biên giới, số lượng người có công với cách mạng tại Thanh Hóa thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở rất lớn. Làm sao để không “bỏ sót” người có công trong quá trình thực hiện chính sách này là một trong những nỗ lực rất lớn của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, bà Lê Thị Thìn chia sẻ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, tổ chức trên địa bàn khẩn trương triển khai chương trình với vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị được phân công cụ thể và có sự giám sát sát sao. 

Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; trong đó, Sở Xây dựng được giao là cơ quan thường trực của tỉnh để triển khai chính sách theo quy định. Mục tiêu chung được đặt ra là đảm bảo hiệu quả và tiến độ hỗ trợ.

Đặc biệt, ngay từ đầu, khâu rà soát để các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Đây cũng chính là cơ sở giúp cho việc cân đối nguồn lực hợp lý và lập nên các chương trình, kế hoạch phù hợp, hiệu quả. 

Theo số liệu tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo về Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, số gia đình có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở là 1.227 hộ.

Tuy nhiên, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, tổng số hộ đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở tại Thanh Hóa đã tăng lên con số 18.847; trong đó gồm 8.466 hộ xây mới và 10.381 hộ sửa chữa với tổng nguồn vốn cần Trung ương hỗ trợ là  hơn 539 tỷ đồng. 

Tiếp tục rà soát với mục tiêu không “bỏ sót” các đối tượng trong diện được hỗ trợ, cuối năm 2015, tổng số hộ gia đình người có công với cách mạng đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở tại Thanh Hóa là 26.389 hộ (gồm 12.558 hộ xây mới và 13.831 hộ sửa chữa), với tổng nhu cầu vốn để thực hiện hỗ trợ gần 779 tỷ đồng. 

Năm 2013, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 1.232 hộ gồm 854 trường hợp xây mới và 378 hộ sửa chữa. Số hộ này thuộc danh sách tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 và bổ sung 5 hộ nhưng không thay đổi số tiền hỗ trợ.

Tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành giải ngân 100% số vốn đã được cấp cho chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công giai đoạn 1 với 1.232 hộ được thụ hưởng.

Trong giai đoạn 2, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai với 25.157 hộ được phê duyệt (11.704 hộ xây mới và 13.453 hộ sửa chữa); trong đó, số hộ đủ điều kiện và được tỉnh phê duyệt theo đề án là 17.620 hộ và có bổ sung 7.537 hộ. 

Nhiều hộ không nằm trong danh sách hỗ trợ năm 2013 nhưng do nhà đã xuống cấp nên đã xây dựng nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo bà Lê Thị Thìn, khi thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công thì việc rà soát để không “bỏ sót” đối tượng là điều khó khăn, vẫn còn nhiều đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách nhưng chưa hoàn thành thủ tục, thống kê để đưa vào danh sách. 

Mặt khác, hiện việc triển khai chính sách hỗ trợ này cũng đang bị gián đoạn từ sau năm 2013 đến nay do chờ nguồn vốn Trung ương cấp và chờ chủ trương của Chính phủ.

Nhiều hộ không nằm trong danh sách hỗ trợ năm 2013 nhưng do nhà đã xuống cấp nên đã xây dựng nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Các hộ này đã đề nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết hỗ trợ kinh phí. Thêm vào đó, việc huy động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế của địa phương, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ sớm bố trí vốn hỗ trợ dứt điểm số hộ đã thực hiện hoàn thành xây dựng năm 2013. Đồng thời bố trí vốn hỗ trợ cho số hộ còn lại (sau năm 2013) để địa phương tiếp tục thực hiện.

Đơn cử như vốn Trung ương cấp cho giai đoạn năm 2013 mới đạt 39,634 tỷ đồng trên tổng số 41,72 tỷ đồng được phê duyệt. Như vậy, nhu cầu kinh phí mới đạt 95% và vẫn còn thiếu hơn 2 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Đào Vũ Việt cho rằng, việc phân bổ, cấp nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương nên thực hiện từ đầu các năm để địa phương chủ động tổ chức, thực hiện chính sách nhanh chóng, hiệu quả./.

>>> Thu xếp nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho người có công

>>> Điểm mới trong chính sách đối với người có công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục