Hỗ trợ pháp lý nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

08:19' - 10/07/2024
BNEWS Để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bình Phước thường xuyên tổ chức hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính như Par Index, PAPI...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, bên cạnh các hoạt động trên, tỉnh cũng duy trì hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh để có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tỉnh Bình Phước chú trọng thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao chỉ số PCI.

 

Cụ thể, Sở Tư pháp xây dựng, duy trì việc rà soát, cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu, cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành. Đồng thời, duy trì, rà soát, cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu, cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý.

Cùng đó, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Công văn số 2463/UBND-NC ngày 25/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thuận chủ trương cho Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sở biên soạn sách, tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ; bản tin pháp luật, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đưa ra các tình huống pháp lý để doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp luật.

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hội doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân và, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bình Phước còn hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư thông qua xây dựng mới cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; cải tạo, nâng cấp các hạ tầng có sẵn để hình thành cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.

Mặt khác, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận mạng lưới tư vấn viên để được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ lãi suất cho khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc duy trì gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm tình hình kịp thời giải quyết khó khăn vướng, mắc cho doanh nghiệp thì việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 520 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 11.050 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 12.165 doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục