Hòa Bình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản

07:15' - 15/03/2018
BNEWS Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với điểm cầu 11 huyện, thành phố về thực trạng, giải pháp xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản.
Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP giúp gia đình ông Nguyễn Thế Bình (khu 3, thị trấn Cao Phong) thu nhập từ 2-2,5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN.

Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với điểm cầu 11 huyện, thành phố về thực trạng, giải pháp xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư.

Tại hội nghị, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch chuyển đổi trồng lúa sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao; phấn đấu ít nhất mỗi huyện xây dựng được một khu ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng trồng cho các loại cây; chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn có uy tín để chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tích tụ ruộng đất để kêu gọi nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của các đặc sản địa phương đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi; hỗ trợ đưa các sản phẩm có thế mạnh vào hệ thống kinh doanh lớn, siêu thị với các chính sách nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả hệ thống nhận diện thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, số lượng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản được đăng ký nhãn hiệu của tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; tính liên kết theo chuỗi còn hạn chế; việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều, ít ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất mang tính manh mún, chủ yếu sản xuất sản phẩm nông nghiệp thô; vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh, huyện hàng năm cho việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 35 về dồn điền đổi thửa làm cơ sở thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa các hộ sản xuất và củng cố các hợp tác xã hiện có; tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với hợp tác xã trong sản xuất - tiêu thụ.

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản nổi bật mang giá trị cao, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường và phục vụ chế biến nông sản. Sản phẩm đặc sản được bảo hộ, giúp người sản xuất, kinh doanh có đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro về biến động giá cả và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vị thế của tỉnh Hòa Bình được nâng lên thông qua các sản phẩm mang tên địa danh như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc... Bước đầu định hình được tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm đặc sản của tỉnh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã khẳng định giá trị pháp lý về quyền và lợi ích của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Về kết quả tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 75 Hợp tác xã tham gia đầu tư liên kết, hợp tác sản xuất, 35 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, đã hình thành liên kết sản xuất giữa nông dân - Hợp tác xã - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao như: chuỗi sản xuất hạt giống tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy; chuỗi sản xuất ngô ngọt tại Mỵ Hòa; chuỗi sản xuất ớt tại huyện Lạc Thủy, Kim Bôi; chuỗi sản xuất cá sông Đà tại vùng hồ Hòa Bình... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục