Hoa Tây Tựu chết héo vì nắng mưa thất thường

09:09' - 24/06/2016
BNEWS Đối mặt với trời nóng hơn 40 độ C rồi lại mưa to ngay đã khiến cho nhiều loài hoa và rau màu tại xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) chết héo, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với người dân.
Cánh đồng hoa Tây Tựu chết do nắng gắt rồi mưa dông liên tiếp. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Khoảng đầu tháng 6, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội có lúc lên đến 41 – 42 độ C làm cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng ngoại thành. 

Sau nhiều ngày nắng gắt, trời chuyển mưa to gió lớn bất thường khiến nhiều loại hoa và rau màu khô héo, người nông dân không kịp trở tay. Tại làng Tây Tựu, vựa hoa lớn nhất Hà Nội, người dân đang phải gồng mình chống chọi thời tiết để “cứu” hoa.

Trên cánh đồng hoa Tây Tựu, mưa to kèm dông lốc khiến nước dâng cao, nhiều loại cây trồng không kịp thích ứng nên chết hàng loạt. Hoa cúc và hoa hồng là hai loại hoa được trồng quanh năm ở Tây Tựu nhưng hoa cúc chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt nắng nóng vừa qua. Những cây hoa đang độ phát triển, vì thời tiết thất thường mà chết héo, nhuộm vàng một góc đồng.

Anh Đỗ Văn Tuấn, người trồng hoa ở Tây Tựu cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 7 sào hoa; trong đó có 3 sào hoa cúc, còn lại là loa kèn. Đợt vừa rồi nắng gắt, hoa loa kèn thì không sao nhưng hoa cúc bắt đầu héo.

Chưa làm giàn, sau khi trời mưa lại không kịp tháo nước nên hoa bị úng, chết gần hết. Tính ra mỗi sào hoa chết, chúng tôi lỗ khoảng 4 - 5 triệu đồng”.

Người trồng hoa đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Chị Đặng Thị Thủy, người làng Đăm chia sẻ, hoa cúc vốn có giá không cao vì giống hoa rẻ, lại có sẵn, hơn nữa người chơi hoa cúc không nhiều. Đợt nắng nóng vừa qua, dù hoa chết hàng loạt nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, chính vì thế giá hoa không tăng.

Ngày rằm, mùng một chị Thủy bán buôn được 2.000 đồng/cành nhưng ngày thường hoa cúc có khi chỉ bán được ở mức 400 – 500 đồng/cành.

Sau đợt mưa lớn, nắng nóng quay trở lại và đến thời điểm này, trên một số thửa ruộng thấp, nước vẫn đang tràn giữa các luống hoa. Một số gia đình nhanh chóng thu hoạch củ giống của hoa loa kèn.

Chị Đỗ Thị Phương ở Tây Tựu cho hay, gia đình chị trồng 3 sào loa kèn, đã thu hoạch xong, giờ còn lại củ giống. Nước vừa rút, chị phải thuê người đào sớm, nhỡ khi mưa đến, nước ngập trở lại, vừa dễ hỏng củ, vừa khó thu hoạch.

Bên cạnh việc thu hoạch củ giống, người dân tăng cường tưới nước, làm giàn che nắng cho các giống cây khác. Nhiều người cho biết, trồng hoa lo nhất là vấn đề thời tiết.

Nóng quá hay lạnh quá hoa cũng hỏng, hoặc nở không đúng thời điểm, ngoài ra còn các vấn đề như sâu, bệnh, mất giá... ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của người nông dân.

Tính ra mỗi sào hoa chết, người dân lỗ khoảng 4 - 5 triệu đồng. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Để hạn chế những tác động tiêu cực như vậy của thời tiết, theo các chuyên gia về nông nghiệp, bà con nông dân nên chủ động “phòng” hơn là “chữa”. Ngay từ đầu, phải có những biện pháp canh tác khoa học, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với tình hình địa phương để chủ động ứng phó với sự biến đổi thời tiết.

Biện pháp này tích cực hơn rất nhiều so với việc bà con nông dân ngày ngày “đi sau, dọn chiến trường” cho sự thất thường của khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục