Phía sau những màu xanh trù phú

07:03' - 18/06/2016
BNEWS Đến huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) dưới thời tiết 36 độ C trong những ngày tháng 6, cái nắng gay gắt dường như “chịu thua” những tán cây xanh mát của xứ miệt vườn miền Tây trù phú.

Biến đổi khí hậu cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã tác động nhiều đến môi trường.

Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Giải pháp về tài chính; trong đó có chính sách tín dụng “xanh” được xem là có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những kênh tín dụng “xanh” như thế.

Đến huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) dưới thời tiết 36 độ C trong những ngày tháng 6, cái nắng gay gắt dường như “chịu thua” những tán cây xanh mát của xứ miệt vườn miền Tây trù phú.

Anh cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Phía sau cái màu xanh trù phú ấy còn nhiều điều bí ẩn lắm nhé ”.

Niềm vui dùng nước sạch nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để khoan giếng. Ảnh: Ngân hàng Chính sách Xã hội

Dẫn chúng tôi đến thăm từng hộ gia đình, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Tín dụng Huỳnh Hoàng Phong (Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Cần Thơ) bộc bạch, trước kia người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước sông, kênh rạch.

Nhưng càng ngày nguồn nước này càng ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Thêm vào đó nguồn nước này cũng ngày càng ít đi, đặc biệt là vào mùa khô.

Chính vì thế người dân chuyển sang sử dụng nguồn nước ngầm bằng cách khoan giếng. Nhờ đó người dân vừa được sử dụng nước sinh hoạt vừa đảm bảo có nước đủ tưới cho mùa khô.  

Ngôi nhà lá của vợ chồng chị Lê Ngọc Dung ở ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (Cần Thơ) nằm giữa khu vườn dịu mát. Chị Dung hồ hởi dẫn chúng tôi đến bên cây nước mà vợ chồng chị vừa được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để khoan giếng.

Chị chia sẻ, hàng ngày được sử dụng nước sạch đến mùa khô khỏi lo thiếu nước tưới cây nữa. Đặc biệt, khi có nước sạch để dùng, công việc chăn nuôi của gia đình chị thuận lợi hơn trước.  

Dường như được sử dụng nguồn nước sạch là ước mong của bao hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách ở nông thôn. Ông Nguyễn Văn Nhàn ở ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền rất hài lòng khi gia đình đã có nguồn nước sạch để sinh hoạt, thêm vào đó ông lại xây được nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Ông Nhàn chia sẻ: “Cũng như nhiều hộ trong ấp, ngoài xã, trước kia nhà tôi toàn xài nước sông, nước mưa. Biết là không hợp vệ sinh, nhưng đành chịu thôi vì đâu có tiền lắp ống dẫn, xây bể chứa nước sạch.

Rồi Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi, gia đình tôi liền xây được bể chứa, làm đường ống dẫn nước sạch, lại làm được cả nhà tắm, nhà vệ sinh đàng hoàng. Giờ mọi người thấy sống khỏe hơn”.

Là một trong những hộ gia đình vay vốn ưu đãi để lắp đặt nước máy sử dụng, chị Kator Thị Quý ở thôn Rã Trên, huyện Phước Trung (tỉnh Ninh Thuận) cho hay: “Nhờ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn kịp thời, tôi lắp đặt đồng hồ nước hết gần 1,2 triệu đồng, đến nay đã sử dụng được 2 tháng. Cước tiền nước tháng trước chỉ 40 nghìn đồng, tiết kiệm gấp nhiều lần so với trước đây phải mua nước lẻ từng bình”.

Còn chị Chamaléa Thị Đuống ở thôn Tham Dú, huyện Phước Trung (tỉnh Ninh Thuận) cũng chia sẻ: “Gia đình mình vay 12 triệu đồng vừa để lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, vừa xây nhà vệ sinh.

Nhờ sự quan tâm đầu tư nhà máy nước của tỉnh, lại có thêm vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nên mình và nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi vì từ nay đã có nguồn nước chất lượng để sử dụng, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường”.

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện có hơn 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi. Với chương trình này, hộ gia đình khu vực nông thôn được vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh.

Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng/hộ.

Hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 63%.

Những tán cây xanh mát của xứ miệt vườn miền Tây trù phú. Ảnh: Ngân hàng Chính sách Xã hội

Sau hơn 10 năm thực hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ trên 21.343 tỷ đồng với gần 2,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng khẳng định, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không nhằm mục tiêu kinh doanh mà nhằm mục đích giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Bà Lê Minh Khuyên, Phó Chủ tịch huyện Phong Điền kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Điền cho hay, trong tổng số hơn 200 tỷ đồng dư nợ tại Phong Điền với 11 chương trình cho vay thì chương trình nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tới hơn 30%. 

Bà Khuyên cho biết, nhu cầu vay vốn cho chương trình này ở đây rất lớn. Chương trình này đã giúp trên 13.600 hộ của huyện được sử dụng nước sạch, tạo điều kiện để hoàn thành các tiêu chí vệ sinh môi trường. “Đáng mừng hơn, chương trình đã góp phần lớn để huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, bà Khuyên hồ hởi chia sẻ.

Nước sạch đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, là “hậu phương” cho những màu xanh trù phú xứ miệt vườn. Ra thế, “điều bí ẩn” mà anh cán bộ tín dụng chia sẻ với chúng tôi!

>>> Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục