Hoàn lưu áp thấp gây mưa lớn, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất

16:32' - 16/07/2024
BNEWS Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hoàn lưu áp thấp đang gây mưa lớn kèm lốc, sét, gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, trong chiều và tối 16/7, các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng có mưa rào và dông. Sau đó, mưa dông có thể mở rộng sang các quận khác thuộc nội thành Hà Nội; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

 

Từ chiều tối 16 đến sáng 17/7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm; từ chiều 17/7, mưa lớn giảm dần.

Chiều tối và đêm 16/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 100mm (mưa tập trung vào chiều và đêm). Từ ngày 17-18/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm (mưa tập trung vào chiều và đêm).

Ngoài ra, chiều tối và đêm 16/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cũng theo các chuyên gia khí tượng, trong chiều 16/7, khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to như: Trà Phú (Quảng Ngãi) 61,4mm; Xuân Quỳ (Thanh Hóa) 49mm; Thanh Thủy (Nghệ An) 39,4mm; Sinh Long (Tuyên Quang) 35,6mm; Lợi Bác (Lạng Sơn) 35,2mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Tối 16/7, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến tại các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Nghệ An từ 20-40mm, có nơi trên 80mm; các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi từ 20-50mm, có nơi trên 90mm. Các khu vực trên cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước tình hình mưa lớn xảy ra liên tiếp tại các địa phương, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo mưa lũ tại sông Lô và sông Hồng. Cụ thể, hiện nay, mực nước sông Lô và sông Hồng đang biến đổi chậm và ở mức thấp hơn mức báo động 1.

Lúc 13 giờ ngày 16/7, mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang là 16,73m, dưới báo động 1 là 5,27m; trên sông Hồng tại Hà Nội là 4,10m, dưới báo động 1 là 5,40m.

Thực hiện Công điện số 5021/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 16/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào lúc 16 giờ 16/7, Thủy điện Hòa Bình vận hành mở tiếp 1 cửa xả đáy (tổng số 2 cửa xả đáy) và Thủy điện Tuyên Quang vận hành mở 1 cửa xả đáy.

Trong 24 giờ tới, mực nước hạ lưu sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên nhanh, có khả năng đạt mức 17,50m (dưới báo động 1 là 4,50m) vào sáng 17/7) sau đó biến đổi chậm. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên nhanh, có khả năng đạt mức 5,40m (dưới báo động 1 là 4,10m) vào chiều tối 17/7, sau đó biến đổi chậm.

Lũ trên các sông có thể gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động của giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp tại các bãi sông, bờ sông vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục