Hoàn thiện các quy định của PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

16:51' - 27/06/2017
BNEWS Hoàn thiện các quy định của PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ triển khai trong thực tiễn, đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế
Hoàn thiện các quy định của PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tác giả: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN.

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 về quy định chi tiết một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Hội thảo nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án PPP cũng như xử lý những nội dung còn chưa thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan….

Đồng thời, hoàn thiện các quy định của PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ triển khai trong thực tiễn, đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Những thông tin đóng góp tại hội thảo sẽ được Cục Quản lý Đấu thầu hoàn thiện dự thảo hai Nghị định và trình Chính phủ ngay trong tháng 8/2017.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, sau hai năm thực hiện Nghị định 15 và Nghị định 30, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định.

Nhìn chung, trong hai năm qua, các dự án PPP chủ yếu là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai khung pháp lý (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP). Những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án – lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đang dần được triển khai rộng rãi.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện chặt chẽ, đúng luật, nhưng hai Nghị định này cần được triển khai nhanh. Trước mắt, chúng ta phải gạt bỏ tư tưởng quá cầu toàn, an toàn mà chúng ta cần đột phá , bứt phá, nhưng vẫn phải đúng luật và đây là điều rất khó.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay PPP đang bị tác động của nhiều luật như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Do đó, việc sửa đổi hai Nghị định không thể trái, khác các Luật nêu trên”, Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương, hiện các địa phương mới tập trung vào dự án BOT theo tính chất đổi đất lấy công trình, nhưng việc này cũng gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn cơ chế đấu thầu, thanh toán quỹ đất, thời điểm giao đất. Về thể chế khi thực hiện BOT mất nhiều thời gian, do đó hy vọng PPP sẽ rút ngắn được thời gian. Chẳng hạn, dự án BOT điện cần rút ngắn thời gian để có dự án vận hành.

Ông Trịnh Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, một trong những nội dung sẽ được sửa đổi trong dự thảo Nghị định là quy định về mục đích sử dụng và nguồn vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án (chỉ từ nguồn đầu tư phát triển). Theo đó, nội dung của dự thảo đề cập tới là mở rộng nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án tại khoản 1 điều 11 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

Cụ thể là vốn góp của Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình dự án là vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Vốn để thanh toán cho hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BLT) và hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BTL) là các nguồn vốn và vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công và các nguồn vốn hợp pháp khác. Vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đóng góp ý kiến cho hai Nghị định, ông Đặng Văn Hải, Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước cho rằng, đối với Nghị định 15/2015/NĐ-CP ở điều 58 về nguyên tắc thanh toán dự án PPP bằng quỹ đất về thời điểm thanh toán. Trong dự thảo Nghị định có nêu, nhưng chưa rõ ràng và cần được làm rõ.

Theo đó, tại thời điểm giao đất cần ký kết ngay. Kiểm toán thực tế, hợp đồng dự án với thời gian lâu, vài 3 năm hoặc chục năm. Giá đất khi giao và hoàn thành khác nhau nên ngay sau khi ký hợp đồng sẽ thất thoát lượng tài sản rất lớn. Do đó, ngoài bổ sung hình thức thanh toán bằng tiền, thời điểm thanh toán phải là thời điểm hoàn thành.

Ông Lương Tất Thắng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho rằng, Nghị định 15 và 30 có nhiều vướng mắc và cần thiết sửa đổi. Ngay trong Nghị định 15, vướng đầu tiên là về lĩnh vực đầu tư.

Một số cụm từ nghe hàn lâm, nhưng nội hàm không rõ nghĩa, ví dụ cụm từ "kết cấu hạ tầng". “Tôi nghĩ nói đơn giản là công trình y tế, giáo dục sẽ rất dễ hiểu. Chứ nói là công trình kết cấu hạ tầng, khi trình dự án lên địa phương bị vặn vẹo, đề nghị xem xét lại", ông Thắng cho biết.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề PPP, lựa chọn nhà đầu tư đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Do đó, chúng ta phải sửa đổi hai Nghị định trên tinh thần phân cấp mạnh, cải cách thủ tục hành chính... nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và thu hút nhiều dự án đầu tư hơn nữa.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhiều nội dung khác như: lựa chọn nhà đầu tư và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án; thủ tục đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp; quyết toán và chuyển giao công trình dự án; ưu đãi và đảm bảo đầu tư; trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục