Hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất gắn với cơ chế thị trường

10:09' - 22/11/2022
BNEWS Tỉnh Hậu Giang nâng cao chất lượng, đẩy nhanh việc hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Tỉnh Hậu Giang đề ra chương trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Theo đó, tỉnh nâng cao chất lượng, đẩy nhanh việc hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); đề ra phương án phân bổ và khoanh vùng đất tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất do Chính phủ phân bổ, phù hợp với nhu cầu, định hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ.

Tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập và điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 sau khi Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) được phê duyệt.

Địa phương thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đảm bảo đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường rà soát, kiểm tra, sớm phát hiện, kịp thời xử lý và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai và pháp luật khác liên quan.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, Hậu Giang đề ra việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân có đất thu hồi và nhà đầu tư.

Người dân có đất thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người dân có đất thu hồi.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng; kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích theo đúng quy định pháp luật, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Hậu Giang thực hiện chính sách tài chính về đất đai theo đúng quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp; áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...

Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên hơn 162 ngàn ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 140 ngàn ha, chiếm gần 87%; đất phi nông nghiệp gần 22 ngàn ha, chiếm hơn 13%; không có đất chưa sử dụng. Tài nguyên đất địa phương được chia làm 4 nhóm gồm: nhóm đất mặn có diện tích gần 7 ngàn ha (chiếm hơn 4% diện tích tự nhiên); nhóm đất phèn gần 68 ngàn ha (chiếm hơn 42%); nhóm đất phù sa hơn 66 ngàn ha (chiếm hơn 41%); nhóm đất lên bờ để trồng cây lâu năm, trong đó có thể có đất xây dựng nhà ở song tỷ lệ đất trồng cây lâu năm chiếm hơn 70% với gần 14 ngàn ha (chiếm 8,58%)..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục