Học sinh thủ đô Indonesia sẽ trở lại trường học từ ngày 30/8

16:05' - 25/08/2021
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta lên kế hoạch mở cửa các trường học từ ngày 30/8 tới sau khi kết thúc lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM).

Ngày 25/8, đại diện Cơ quan giáo dục tỉnh đặc khu Jakarta, Taga Radja Gah cho biết các trường học tại Jakarta sẽ tổ chức học trực tiếp kể từ ngày 30/8 tới trong bối cảnh thủ đô Jakarta đã trở thành “vùng Xanh” với COVID-19.

Theo đó, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên thứ 2, 4, 6. Các ngày thứ 3, thứ 5 phun thuốc khử trùng. Công suất tối đa là 50% mỗi lớp/giảng đường. Thời gian học ở trường tối đa 12 tiếng.

Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, nghiên cứu và công nghệ Indonesia, Nadiem Makarim nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tổ chức học trực tiếp. Ông cho rằng sẽ mất khoảng 2,5 năm để hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả học sinh trên cả nước.

Khoảng thời gian đó sẽ tạo áp lực cho hệ thống giáo dục nói chung nếu duy trì đào tạo trực tuyến. Do đó, ông khẳng định cần sớm đưa học sinh trở lại trường học, đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Liên quan đến chương trình tiêm chủng, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch cho chương trình tiêm chủng vaccine độc lập vào năm 2022. Chương trình sẽ cho phép người dân lựa chọn loại vaccine theo yêu cầu và có trả phí.

Ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết, kế hoạch tiêm chủng độc lập nêu trên sẽ được thực hiện song song cùng chương trình tiêm chủng quốc gia hiện hành. Lý do của việc đưa ra một chương trình tiêm chủng có trả phí như vậy là do phụ thuộc vào việc phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống dịch trong năm tới.

Bộ trưởng Sri cho biết chính phủ đảm bảo cấp ngân sách 3.000 tỷ rupiah (tương đương 208 triệu USD) cho việc mua vaccine để tiêm chủng miễn phí.

Tuy nhiên, với tinh thần sống chung với dịch bệnh COVID-19, cần có các kế hoạch dài hạn nhằm gia tăng mức độ tiếp cận vaccine cho người dân, nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng, đảm bảo hạn chế khả năng bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Đến nay, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 77.000 tỷ rupiah dành cho lĩnh vực y tế trong khuôn khổ Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN).

Trong đó, ước tính 20.000 tỷ rupiah đã được sử dụng để xử lý dịch bệnh, 6.500 tỷ rupiah dành cho việc ứng phó với các kịch bản xấu nhất xảy ra như tái bùng phát dịch bệnh hay xuất hiện biến thể mới khác các biến thể hiện nay.

Trước đó, ngày 24/8, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Sputnik V của Nga.

Người đứng đầu BPOM Penny K Lukito cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan này cùng Ủy ban Quốc gia về đánh giá vaccine và Nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ITAGI) đã có nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về hiệu quả và tính an toàn của loại vaccine này.

Theo bà Penny, việc đánh giá dữ liệu chất lượng vaccine cũng tham khảo các hướng dẫn quốc tế. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các tác dụng phụ của vaccine Sputnik V được đánh giá ở mức độ nhẹ và trung bình.

Theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, loại vaccine này có hiệu quả phòng chống COVID-19 tới 91,6%. Vaccine Sputnik V của Nga được sử dụng tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Mỗi liệu trình gồm hai liều tiêm, trong đó mỗi liều 0,5 ml, với khoảng cách 3 tuần giữa hai lần tiêm. Ngoài Sputnik V, tính đến nay BPOM đã cấp EUA cho vaccine của các hãng Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca, Moderna và Pfizer./.

>>Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục