Học sinh vi phạm an toàn giao thông nhiều lần sẽ bị xử lý ra sao?

14:07' - 09/03/2016
BNEWS Nhiều học sinh phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, hoặc đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.
Chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 1 (Hà Nội) tiến hành xử lý vi phạm Luật giao thông đường bộ đối với học sinh điều khiển xe đạp máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.

Đối với học sinh vi phạm lần 1, sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Đó là giải pháp mạnh của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đối với học sinh vi phạm an toàn giao thông, mới được ban hành và sẽ triển khai từ năm học 2016 đến năm 2020.

Theo đó, 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.

100% các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.

100% nhà trường phổ biến, giáo dục “Văn hóa giao thông” cho học sinh theo tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Trước đó, mặc dù ngành giáo dục đào tạo Hà Nội tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhưng ý thức chấp hành của phụ huynh và học sinh chưa cao.

Nhiều học sinh phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, hoặc đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở ít thực hiện đội mũ bảo hiểm khi được phụ huynh chở đi học bằng xe máy./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục