Giao thông Hà Nội: Nhiều dự án vừa hoàn thành đã quá tải

17:28' - 07/03/2016
BNEWS Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Hạ tầng giao thông Thủ đô hiện nay không còn dừng ở bất cập mà đang ở mức báo động khi mà nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã rơi vào tình trạng quá tải.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc giữa Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TTXVN

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Hà Nội cần phải nỗ lực, có giải pháp đặc biệt, đặc thù hơn nữa thì mới giải quyết được. Bên cạnh việc mở rộng hạ tầng giao thông, công tác quản lý Nhà nước cũng phải được điều chỉnh hiệu quả hơn.

Những trăn trở của người đứng đầu Thủ đô được nêu ra tại cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai công tác quản lý về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhìn nhận hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển.

Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh; các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị triển khai còn chậm.

Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại. Công tác quản lý, điều độ, điều chỉnh hạ tầng giao thông cũng chưa tốt, việc nâng cao tránh nhiệm và văn hóa giao thông của người dân cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cũng như dân số tiếp tục tăng nhanh, gây sức ép lớn lên hạ tầng giao thông đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng thành phố Hà Nội chủ động triển khai quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô, chuẩn bị thực hiện ngay khi Quy hoạch được phê duyệt.

Cụ thể, sớm thuê đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có năng lực và kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu để triển khai các quy hoạch chi tiết chuyên ngành như quy hoạch vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, đường sắt đô thị đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn Thủ đô đồng bộ, hiện đại theo đúng Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội - một trong ba khâu đột phá của thành phố.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Hà Nội trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khung của Hà Nội gồm các tuyến đường vành đai; hệ thống cầu, hầm vượt sông; hệ thống đường cao tốc; hệ thống đường hướng tâm; hệ thống đường trục chính đô thị và khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, mở rộng đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Đề cập đến những vấn đề vướng mắc của Hà Nội như hiện nay như tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân, sự gia tăng dân số, tỷ lệ đất dành cho giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh còn thấp gây sức ép lên hạ tầng giao thông đô thị..., Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Hà Nội cần phải có sự nỗ lực, giải pháp đặc biệt, đặc thù hơn nữa mới có thể giải quyết được tình trạng này sớm nhất.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý Hà Nội cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu... tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho Thủ đô. Đây cũng sẽ là những vấn đề được Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội phối hợp triển khai trong đề án quản lý giao thông Hà Nội trong thời gian tới.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường phân tích những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như vốn để triển khai dự án, điển hình như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hòa Lạc - Hòa Bình; Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc tại khu vực nội đô.

Đối với những dự án đang gặp khó khăn trong việc bố trí vốn và giải ngân cho nhà thầu phụ như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ xem xét cho các dự án ứng tiền của mình để thực hiện dự án và Nhà nước sẽ trả sau, hoặc Nhà nước bố trí các nguồn vốn khác để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị Hà Nội cần khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải đã làm việc với Viện Chiến lược phát triển giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) để đưa ra những phương án hạn chế phương tiện cá nhân.

Theo dự kiến, trong tháng 3, các đơn vị có liên quan sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, nếu được thông qua, trong tháng 4, UBND TP sẽ có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội xin ý chỉ đạo. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục