Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN: Xây dựng thị trường hàng hải thống nhất

18:41' - 10/03/2022
BNEWS Trong 2 ngày 9, 10/3, Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 42 do Việt Nam làm Chủ tịch (nhiệm kỳ 2022-2023) và đăng cai, được tổ chức tại Hà Nội.

Trong 2 ngày 9, 10/3, Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 42 do Việt Nam làm Chủ tịch (nhiệm kỳ 2022-2023) và đăng cai, được tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến giữa 10 nước thành viên ASEAN, các Hiệp hội cảng biển, chủ tàu trong khu vực, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các đối tác của khu vực gồm Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

 

Theo Ban tổ chức, hội nghị đã hoàn thành 10 chương trình nghị sự; trong đó tập trung một số chương trình quan trọng như hành động triển khai của các quốc gia thành viên theo Chiến lược Kuala Lumpur 2021-2026; sáng kiến giao thông hàng hải ứng phó với đại dịch COVID-19; tiến độ thực hiện các công việc của Nhóm công tác giai đoạn 2022-2023; hợp tác ASEAN với các đối tác khu vực tư nhân (Hiệp hội cảng biển, chủ tàu) và đối tác đối thoại khu vực.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Chủ tịch hội nghị cho biết: "Hội nghị lần này đã cập nhật tình hình thực hiện các mục tiêu vận tải bền vững và các mục tiêu vận tải biển cụ thể. Bao gồm: thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN và phát triển cảng thông minh và xanh theo Kế hoạch Chiến lược giao thông vận tải Kuala Lumpur 2021-2026, các biện pháp giảm thiểu việc tăng giá cước vận tải biển và lưu thông container trong Chương trình phục hồi toàn diện ASEAN".

Bên cạnh đó, ông Hoàng Hồng Giang cho hay, hội nghị cũng đạt được một số kết quả tích cực trong Thỏa thuận hợp tác hàng hải ASEAN - Ấn Độ, với việc đạt nhất trí chung trong một số vấn đề; trong đó có tìm kiếm cứu nạn, mở rộng hợp tác.

Đại diện Ban Thư ký ASEAN cho biết, Chiến lược giao thông bận tải Kuala Lumpur 2021-2026 là văn kiện định hướng dẫn dắt các quốc gia ASEAN về phát triển nền kinh tế chung vững chắc; trong đó vận tải hàng hải hướng tới carbon (các-bon) thấp, khả năng chống chịu cao.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ASEAN đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới.

Hơn 2 năm qua, đại dịch đã gây tác động mạnh đến hoạt động hàng hải của các quốc gia ASEAN. Đại dịch COVID-19 là động lực vô hình thúc đẩy cộng đồng hàng hải ASEAN năng động hơn, đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hàng hải phát triển.

Thời gian qua, các quốc gia đưa ra những sáng kiến vừa nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 để duy trì vận tải biển, không để xảy ra ùn tắc phương tiện, hàng hóa container tại cảng biển, vừa nỗ lực hướng tới mục tiêu vận tải biển phát thải thấp, giảm chi phí.

Chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề trên, các quốc gia thành viên như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Myanmar… cho biết, việc giải quyết các mục tiêu trên thông qua kế hoạch điều phối quốc gia về vận tải biển, với việc tăng cường sự kết nối giữa các cảng tại mỗi quốc gia, ứng dụng công nghệ số và cơ chế thông quan hàng hóa phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của mỗi quốc gia, khu vực.

Tại hội nghị, đại diện Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong đối phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo đó thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam triển khai giải pháp "3 tại chỗ" tại cảng biển, điều phối hàng hóa trong hệ thống cảng biển, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho lao động hàng hải. Suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đã tạo dựng được một hệ thống cảng xanh đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động 24/7, giúp thời gian tàu đợi cầu cảng rất nhỏ.

Trong khi thị trường quốc tế nhiều cảng bị đóng cửa, tắc nghẽn, hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn hoạt động hiệu quả. Năm 2021 đạt hơn 706 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; trong đó khối lượng hàng hóa container đạt 24 triệu TEUs, tăng 7%.

Về các sáng kiến được nêu ra trong hội nghị, các quốc gia thành viên cùng chia sẻ, thảo luận về một số dự án thí điểm trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy mà nước đang triển khai.

Có thể kể đến như dự án về công nghệ xanh, năng lượng thay thế năng lượng truyền thống, hài hòa quy chuẩn, nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học biển, quản lý nguồn nước và rác thải tại khu vực cảng, bảo vệ môi trường…

Đề xuất đáng chú ý là khái niệm "rủi ro chung" về môi trường sinh thái trong hoạt động hàng hải nhằm đưa ra giải pháp hạn chế rủi ro. Ủng hộ đề xuất trên, Việt Nam bày tỏ mong muốn các quốc gia thành viên như: Indonesia, Maylaysia, Singapore và các quốc gia thành viên tiếp tục nghiên cứu để đưa ra bàn bạc, thống nhất.

"Cục Hàng hải Việt Nam đang đề xuất nhập công ước quốc tế về quản lý nước dằn tàu biển. Chúng tôi mong các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục mở rộng các nghiên cứu tương đồng về rủi ro chung, nhằm hướng tới sự thống nhất trong khối về giải pháp cho các vấn đề chung", đại biểu Việt Nam nêu ý kiến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục