Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh

17:22' - 17/04/2025
BNEWS Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là một thách thức cấp bách nhất ngày nay. Do đó, quá trình chuyển đổi xanh là điều bắt buộc để xây dựng các xã hội thịnh vượng và có khả năng chống chịu.
Sáng 17/4, tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó có việc tận dụng xu hướng số hóa và ứng dụng AI trong giảm phát thải, tối ưu tài nguyên; thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm tối đa hóa tiềm năng đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi xanh; các giải pháp khắc phục rào cản kỹ thuật, hạ tầng, an ninh dữ liệu để thúc đẩy ứng dụng công nghệ; một số công nghệ tối ưu giúp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh, tiến tới phát thải ròng bằng 0.

* Chuyển đổi xanh dựa trên công nghệ

Chia sẻ về việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh dựa trên công nghệ trên toàn cầu, bà Fatou Haidara, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là một thách thức cấp bách nhất ngày nay. Do đó, quá trình chuyển đổi xanh là điều bắt buộc để xây dựng các xã hội thịnh vượng và có khả năng chống chịu. UNIDO đã và đang là một đối tác chủ chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh dựa trên công nghệ trên toàn cầu.

Một sáng kiến mang tính công cộng toàn cầu nổi bật của UNIDO là Liên minh toàn cầu về AI cho công nghiệp và sản xuất - gọi tắt là AIM Global. Đây là một sáng kiến chiến lược nhằm mở rộng các mối quan hệ đối tác quốc tế về AI, tối đa hóa tác động tập thể của các chính phủ, khu vực tư nhân, giới học thuật và tổ chức xã hội dân sự để đảm bảo tiếp cận công bằng với lợi ích của AI phục vụ phát triển bền vững.

Thông qua Trung tâm xuất sắc, các trung tâm AI khu vực và diễn đàn, UNIDO mong muốn Liên minh này trở thành một nền tảng sôi động cho việc trao đổi chính sách, chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ. Ở cấp độ quốc gia, UNIDO liên tục hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi xanh.

Bà Fatou Haidara cho biết, tại Việt Nam, UNIDO đang triển khai một số danh mục hợp tác kỹ thuật trị giá 13 triệu USD, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước. Đó là Chương trình Công viên Sinh thái toàn cầu thúc đẩy các kỹ thuật công nghiệp tuần hoàn và thân thiện với môi trường; Chương trình Chất lượng và Tiêu chuẩn toàn cầu đang nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững; một số công nghệ sạch cũng đang được thúc đẩy để tăng tốc nền kinh tế ít carbon, đồng thời hệ thống quản lý năng lượng được tối ưu hóa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, UNIDO đang xây dựng một Chương trình Quốc gia phù hợp, gắn với tầm nhìn tăng trưởng của đất nước, chú trọng vào chuyển đổi xanh, số hóa và đổi mới trong sản xuất. Chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các đối tác tài trợ để xây dựng một loạt các dự án mới khác đầy triển vọng”, bà Fatou Haidara cho biết.

* Công nghệ giúp cải thiện môi trường sống

Ông Katsume Yasushi, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản giới thiệu một số công nghệ giúp cải thiện môi trường sống và chất lượng vệ sinh như công nghệ biến chất thải thành năng lượng (Waste-to-Energy) và công nghệ xử lý nước thải hộ gia đình của Nhật Bản (Johkasou).

Các cơ sở sử dụng công nghệ Waste-to-Energy đóng vai trò then chốt trong quản lý chất thải tại Nhật Bản do xử lý hiệu quả khối lượng lớn rác thải, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Công nghệ này cũng giúp cải thiện chất lượng vệ sinh và giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tạo ra điện từ chất thải, giảm phát thải methanol từ các bãi chôn lấp.

Còn Johkasou là một công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt có chi phí hợp lý, kích thước nhỏ gọn, hiệu quả cao, phù hợp với những khu vực chưa có hệ thống thoát nước. Công nghệ này giúp cải thiện và giữ gìn môi trường nước địa phương - nền tảng cho sinh kế, ngư nghiệp và du lịch.

Tại Việt Nam có một cơ sở Waste-to-Energy quy mô lớn sử dụng công nghệ Nhật Bản được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh. Một hệ thống Johkasou tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng được xây dựng với nguồn viện trợ không hoàn lại từ Nhật Bản và sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), góp phần cải thiện môi trường nước địa phương, bảo tồn cảnh quan và phát triển ngành công nghiệp du lịch.

Theo ông Katsume Yasushi, với các công nghệ hỗ trợ xây dựng kinh tế tuần hoàn, Nhật Bản hiện có những công nghệ tiên tiến như tái chế tấm pin năng lượng mặt trời và tái chế chai nhựa. Trên quy mô quốc tế, các công nghệ tái chế kim loại quý từ rác thải điện tử (e-waste) đóng vai trò quan trọng. Tại Nhật Bản, người dân và chính quyền địa phương phối hợp phân loại, thu gom tài nguyên có thể tái chế để đưa vào sử dụng hiệu quả. Nhật Bản đã hợp tác với các quốc gia ASEAN để khởi động sáng kiến Đối tác tuần hoàn tài nguyên ASEAN - Nhật Bản về rác thải điện tử và khoáng sản thiết yếu (ARCPEC). Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng khung pháp lý về rác thải điện tử và thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực. Nhật Bản kỳ vọng sẽ xây dựng được hệ thống tuần hoàn toàn cầu cho kim loại quý, từ đó, giảm phát thải khí nhà kính, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và đồng thời thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tại mỗi quốc gia.

Đối với các công nghệ giám sát môi trường nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, ông Katsume Yasushi cho rằng, AI với những bước tiến vượt bậc gần đây, đang được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Nhật Bản đang vận hành hệ thống vệ tinh quan sát khí nhà kính mang tên GOSAT, giúp quan sát nồng độ CO2 và methanol trên phạm vi toàn cầu. Với các thuật toán riêng và công nghệ AI, hệ thống có thể tính toán dữ liệu phát thải từ từng khu vực cụ thể. Nhờ đó, việc kiểm chứng số liệu phát thải và hấp thụ khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris trở nên chính xác và hiệu quả hơn. Ông Katsume Yasushi cho biết thêm, hiện Mông Cổ và Ấn Độ đã sử dụng công nghệ này.

* Phát triển công nghệ song hành cùng chuyển đổi xanh

Ông Alejandro Dorado, Cao ủy phụ trách Kinh tế Tuần hoàn, Bộ Chuyển đổi sinh thái và các vấn đề về Dân số Tây Ban Nha cho rằng trong kỷ nguyên thông minh, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng một tương lai bền vững hơn.

“Phát triển công nghệ và quá trình chuyển đổi xanh đang song hành với nhau và chúng ta cần phải đặt ra nền móng kết hợp các giải pháp thuận thiên, dựa vào công nghệ trong những lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, hydrogen…từ đó, tận dụng đổi mới sáng tạo về sinh thái, sản xuất ra nhiều sản phẩm ít phát thải hơn đồng thời đưa vào các quy trình tái chế giúp xanh hoá hơn”, ông Alejandro Dorado nói.

Tuy nhiên, ông Alejandro Dorado cũng nhận định, công nghệ nào cũng có mặt trái, do đó, khi xây dựng công nghệ, cần tính trước được những hệ quả về môi trường để giảm thiểu những mặt trái này. Ông nêu ví dụ, công nghệ AI đòi hỏi sử dụng nhiều dữ liệu và năng lượng tiêu thụ, từ đó lưu lại nhiều dấu chân môi trường. Quá trình sản xuất vật liệu phục vụ công nghệ AI cũng phát sinh nhiều rác thải, do đó phải có phương thức xử lý phù hợp với những yếu tố này. Ông cho rằng cần rút ra những bài học từ quá khứ để tránh mắc lại sai lầm dẫn đến phát triển không bền vững, đồng thời, cần tránh dùng thừa nguồn lực, có hướng đầu tư vào công nghệ có thể cùng sống với thiên nhiên, tăng cường hợp tác công-tư, tận dụng các công cụ về tài chính trong quá trình tăng trưởng xanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục