Hội nghị thượng đỉnh G20: Những bất đồng trong ngày làm việc đầu tiên

08:12' - 08/07/2017
BNEWS Ngày 7/7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại thành phố Humburg (Đức) đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên.
Lãnh đạo các đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhiều vấn đề nóng như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt Triều Tiên, khủng hoảng Syria… đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp chính thức và các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng các cuộc trao đổi cho thấy còn tồn tại những bất đồng và hội nghị diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa các bên.

Vấn đề nổi bật được quan tâm là tự do hóa thương mại trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những tuyên bố và biện pháp ủng hộ bảo hộ mậu dịch. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, ngoại trừ Mỹ, 19 nước thành viên đã khẳng định ủng hộ tự do thương mại, trong đó cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai phát triển bền vững; cắt giảm khí thải thông qua nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả… Bất chấp quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Hội nghị đã ghi nhận và nhấn mạnh các thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo thỏa thuận.

Đáng chú ý, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đã diễn ra cuộc gặp chính thức đầu tiên kéo dài hơn 2 giờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, như Ukraine, Syria, chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng...Dù đạt được nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở Tây Nam Syria và giảm căng thẳng trong vấn đề an ninh mạng, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ lại thể hiện quan điểm khác biệt về vấn đề Triều Tiên, trong đó có cáo buộc từ phía Mỹ về hoạt động kinh tế của Moskva với Bình Nhưỡng.

Việc các nhà lãnh đạo G20 gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trên các lĩnh vực tự do hóa thương mại và chống biến đổi khí hậu trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy, thế giới đang tồn tại những bất đồng sâu sắc và điều này ảnh hưởng đến vai trò liên kết các nền kinh tế của G20, cũng như mục tiêu "định hình một thế giới kết nối" mà nước Đức đã đề ra nhiệm kỳ làm Chủ tịch G20 năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục