Hội nghị thượng đỉnh tại Paris bàn về tài trợ chống biến đổi khí hậu

19:23' - 12/12/2017
BNEWS Sự kiện này được tổ chức 2 năm sau khi hơn 190 nước đạt được Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này.

Ngày 12/12, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tên "Một Hành tinh" (do Pháp, Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới bảo trợ) đã diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp nhằm thảo luận về việc hỗ trợ tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu.

Sự kiện này được tổ chức 2 năm sau khi hơn 190 nước đạt được Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này.

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Ảnh: EPA

Phát biểu trước thềm hội nghị, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ ưu tiên hướng tới hành động, đặc biệt là cung cấp tài chính cho các đảo quốc nhỏ đang phát triển và các quốc gia dễ bị tổn thương.

Ông Ban Ki-moon hối thúc các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị nhất trí về một chương trình muộn nhất là vào năm tới, như đã cam kết về cách thức phân bổ 100 tỷ USD hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương từ năm 2020 và mỗi năm sau đó.

Ông cũng cho rằng ngoài khoản hỗ trợ tài chính công, sẽ cần thêm khoản tiền khổng lồ nữa, lên tới hàng nghìn tỷ USD, thông qua các ngân hàng toàn cầu, thị trường vốn, các nhà đầu tư để có thể phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và chống chọi được với tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, quan chức Liên hợp quốc phụ trách thực thi Hiệp định Paris, Patricia Espinosa cảnh báo rằng hành động chính trị sẽ là không đủ, nếu không nâng cấp và thiết lập lại cấu trúc tài chính toàn cầu và nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.

Quan chức này nhấn mạnh mặc dù một số hành động đã được triển khai song vấn đề khí hậu cần phải nằm trong mọi quyết định của các lĩnh vực tư nhân.

Tài chính từ lâu là vấn đề nóng trong tiến trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó các quốc gia đang phát triển yêu cầu hỗ trợ tài chính để giúp họ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít ô nhiễm, cũng như tăng khả năng ứng phó những hệ quả từ biến đổi khí hậu như siêu bão, hạn hán và nước biển dâng.

Giới quan sát và các nước thành viên cảnh báo nếu không có hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch, mục tiêu mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ chỉ là "giấc mơ".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính từ nay đến năm 2050 sẽ cần khoản đầu tư lên tới 3.500 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng sạch để đạt được mục tiêu trên, gấp đôi so với con số chi tiêu hiện nay.

Hội nghị lần này có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

Mỹ không cử đại diện cấp cao tham dự hội nghị tới, song ông Jim Yong Kim cho biết giới chức địa phương và các bang cùng các tổ chức tư nhân của Mỹ vẫn sẽ có mặt nhằm khẳng định những cam kết trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục