Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương: Thích ứng an toàn, hiệu quả để khôi phục phát triển kinh tế

13:18' - 05/01/2022
BNEWS Các đại biểu đã trao đổi và đề xuất để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2022 là sớm phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm thực hiện nhanh các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, vấn đề được các đại biểu địa phương tập trung trao đổi và đề xuất để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2022 là sớm phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm thực hiện nhanh các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2021 của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, những kết quả đạt được hết sức quan trọng trong bối cảnh đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chính phủ phải xử lý các tình huống chưa có tiền lệ do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào  cuộc từ Trung ương đến địa phương cũng như sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp…

Chính phủ đã phát huy được những kết quả trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế  - xã hội của nhiệm kỳ trước; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt linh hoạt hiệu quả phù hợp với tình hình diễn biến ở các địa phương. Nhờ đó, nước ta đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn, hiệu quả để khôi phục phát triển kinh tế. Đây là những tiền đề quan trọng để cả nước phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm  2022 và giai đoạn  tới.

Về những giải pháp năm 2022, địa phương đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát trên một số lĩnh vực như: chấp nhận chủ trương đầu tư các khu công nghiệp; trong đó, sửa đổi Nghị định 82/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, muốn sửa đổi Nghị định này thì phải sửa điều C khoản 1, điều 8 và khoản 4 điều 17 của Luật Đầu tư về thẩm quyền quyết định đầu tư đối với khu công nghiệp và khu kinh tế.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất đẩy nhanh thu hồi tài sản thất thoát; đưa các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội không để thất thoát lãng phí. Chính phủ cần tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, đầu tư dự án đã được chỉ ra tại các bản án, kết luận thanh tra, kiểm toán. Đây không chỉ là "điểm nghẽn" mà còn tạo động lực phát triển kinh tế  - xã hội tại nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Cùng thống nhất cao các nội dung báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, Thành phố là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, mọi mặt kinh tế  - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong chỉ đạo, điều hành, thành phố luôn bám sát các Nghị quyết, chương trình trọng tâm, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai chính quyền đô thị, tập trung các giải pháp cải thiện đầu tư kinh doanh và đạt kết quả đáng mừng. Thu ngân sách thành phố đạt trên 381.000 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,23 tỷ USD, đạt 138,6% kế hoạch so với năm 2020. Xuất khẩu của thành phố tăng 28% và 5/9 ngành dịch vụ tăng so với cùng kỳ.

Năm 2022, thành phố phấn đấu tăng trưởng từ 6 - 6,5% và Tp. Hồ Chí Minh sẽ triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là năm 2022 và giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất nghiên cứu, vận dụng thực tiễn theo hướng bổ sung thêm ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp. Các bộ, ngành cũng sớm hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Chính phủ cũng cần hướng dẫn chi tiết, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép khu đô thị, khu công nghiệp,…

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho hay, Chính phủ luôn đồng hành với địa phương và quyết không bỏ lại một địa phương nào phía sau trong đại dịch. Các biện pháp, chủ trương của Chính phủ kịp thờii và hợp lý, giúp các địa phương thực hiện phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,5%; thu ngân sách chạm mốc 18 nghìn tỷ đồng; đứng thứ 18 trên toàn quốc…, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công là cứu cánh trong địa dịch COVID-19.

Tuy nhiên, địa phương cũng đề xuất sớm phân cấp, phân quyền cho các địa phương về nguồn lực trong triển khai các dự án. Đồng thời, có cách chính sách hiệu quả hơn để tháo gỡ giải phóng mặt bằng và nên tách vấn đề này thành tiểu dự án nhằm tạo thuận lợn hơn trong thực hiện các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục