"Hồi sinh" làng gốm Bồ Bát

11:12' - 30/01/2020
BNEWS Dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, gốm Bồ Bát đã được “hồi sinh”.
Nghệ nhân Phạm Văn Vang hướng dẫn công nhân làm gốm Bồ Bát. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Với hàng nghìn năm lịch sử và được coi là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) ngày nay, làng nghề gốm cổ xưa Bồ Bát (Ninh Bình) đã từng bị lãng quên trong suốt một thời gian dài. Sau cả nghìn năm mai một, thất truyền, đến nay, dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, gốm Bồ Bát đã được “hồi sinh” và đang trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng khắp mọi nơi, không chỉ ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát, thời đó thuộc phủ Trường Yên, kinh đô Hoa Lư (nay là huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã nổi danh cách đây hàng nghìn năm với những sản phẩm gốm trắng độc đáo phục vụ cho tiêu dùng và xây dựng. Khi đó, các sản phẩm gốm Bồ Bát được đánh giá tinh xảo, mang giá trị cao như: Linh vật rồng, phượng; mặt linh thú và nhiều đồ gia dụng cho Vua chúa, Quan lại, Quý tộc…

Tuy nhiên, năm 1010 vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Lúc này, những nghệ nhân giỏi của làng gốm Bồ Bát đã theo triều đình về Thăng Long, định cư ở vùng ven sông Hồng - nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng ngày nay. Trên mảnh đất Bạch Liên khai sinh ra nghề gốm Bồ Bát, các sản phẩm về gốm không còn được ưa chuộng và thịnh hành nên từ đó, nghề gốm của làng dần bị mai một và thất truyền.

Tưởng chừng đã bị lãng quên, nhưng cách đây gần 15 năm, những sản phẩm gốm Bồ Bát đã xuất hiện trở lại trên thị trường và người "hồi sinh" gốm Bồ Bát chính là thanh niên trẻ Phạm Văn Vang (sinh năm 1982), quê làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô.

Anh Vang cho biết, sau khi học xong Trung học phổ thông, thay vì bước chân vào giảng đường Đại học như bao bạn bè đồng trang lứa, anh quyết định ra Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề với hành trang là niềm đam mê với nghề gốm truyền thống của quê hương.

Được sự giúp đỡ tận tình của những người thầy cùng niềm đam mê và sự kiên trì, chịu khó mày mò nghiên cứu, sáng tạo, anh Vang đã sớm trở thành người thợ làm gốm lành nghề với ước mơ ấp ủ sẽ vực dậy nghề gốm trên chính quê hương.

Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang, gốm Bồ Bát dần được phục dựng và tạo nên được chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, năm 2014, sau khi tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận làng nghề gốm cổ Bồ Bát là nghề truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho anh Vang trong mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về gốm và thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia học nghề, làm nghề.

Năm 2016, anh Vang được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cấp Quốc gia vì đã có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Công nhân đang hoàn thiện sản phẩm gốm Bồ Bát. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Là người đang làm việc tại xưởng gốm của anh Vang đã được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng danh hiệu Nghệ nhân gốm ưu tú cấp tỉnh năm 2013, chị Hoàng Thị Huyền Trang (sinh năm 1986) cho biết, để cho ra đời một sản phẩm gốm Bồ Bát đến tay khách hàng có khi phải mất cả tháng trời. Đặc biệt, là những sản phẩm do chính anh Vang hay các thợ tại xưởng tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo.

Mỗi sản phẩm gốm nơi đây đều phải trải qua cả chục công đoạn, từ sơ chế đất cho đến thếp vàng. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm gốm, các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hình dáng từ phục vụ sinh hoạt đến thẩm mỹ được ra đời như ấm chén, bát đĩa, bình hoa, lọ, chén bát đĩa, tranh mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật…

Hiện nay, để phục vụ tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, gốm Bồ Bát còn được sáng tạo và đẩy mạnh sản xuất, phát triển ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình như: Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động… Nhiều sản phẩm tại đây có giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Anh Vang chia sẻ, điều tạo nên sự đặc biệt riêng có của gốm Bồ Bát có lẽ là phần nguyên liệu, nguồn đất sét trắng quý chỉ vùng đất nơi đây mới có đã tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ.

Hiện nay, Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát của anh Vang có quy mô hơn 1.000 m2 với 25 thợ hành nghề là người dân địa phương, cho thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và doanh thu hàng năm lên đến hàng tỷ đồng.

Thời gian tới, anh Vang cho biết bên cạnh việc mở rộng diện tích sản xuất, anh sẽ chú trọng hơn đến đào tạo nghề cho người dân địa phương có nhu cầu để thu hút nhiều hơn nữa người dân tham gia làm nghề.

Ông Trần Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thành, huyện Yên Mô cho biết, hiện nay, nghề làm gốm Bồ Bát không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân xã Yên Thành mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn nghề làm gốm lâu đời của địa phương.

Chính vì vậy, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi nhất về vốn, chính sách, đất đai cho các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm tại địa phương, xã Yên Thành còn thành lập Hợp tác xã Gốm Bồ Bát nhằm thu hút nhiều hơn nữa người dân địa phương tham gia làm nghề để không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn bảo tồn, giữ gìn làng nghề, tạo nên thương hiệu trên thị trường, giúp nghề ngày càng phát triển.

Sản phẩm gốm Bồ Bát. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN
Sau gần 15 năm nỗ lực không ngừng nghỉ với niềm đam mê, sự tâm huyết của nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang, gốm Bồ Bát đã được thị trường đón nhận tích cực, ước mơ khôi phục và phát triển nghề gốm cổ của anh Vang cũng đã được thực hiện.

Ngày nay gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường như Mỹ hay Nhật Bản thậm chí là cả các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng đã đề nghị về việc sản xuất độc quyền sản phẩm.

Cùng chung sức với quyết tâm của anh Vang, người dân làng Bạch Liên, xã Yên Thành cũng đang dần khôi phục lại nghề làm gốm để giữ gìn và phát triển làng nghề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục