Hơn 1 vạn hộ dân ở Yên Bái vẫn “khát” điện

12:52' - 14/09/2017
BNEWS Tại tỉnh Yên Bái, một số dự án điện nông thôn đang chậm tiến độ do thiếu vốn; ở nhiều khu vực, hệ thống lưới điện thường xuyên bị quá tải...
Hơn 1 vạn hộ dân ở Yên Bái vẫn “khát” điện. Ảnh minh họa: Ngọc Hà - TTXVN
Tại tỉnh Yên Bái, một số dự án điện nông thôn đang chậm tiến độ do thiếu vốn; ở nhiều khu vực, hệ thống lưới điện thường xuyên bị quá tải... Tình trạng trên kéo dài chủ yếu tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

*Hơn 1 vạn hộ dân vẫn “khát” điện

Năm 2014, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014-2020. Theo dự án này, tổng nguồn vốn là 574 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương cấp là 488 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 86 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2015 – 2016, dự án mới chỉ được cấp 47,4 tỷ đồng. Do đó, tỉnh Yên Bái chỉ đầu tư xây dựng và cung cấp điện được cho 1.443 hộ dân của 11 thôn bản thuộc 8 xã trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, hiện vẫn còn tới 10.297 hộ dân thuộc 133 thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh chưa có điện lưới quốc gia. Người dân vẫn phải sống trong cảnh “đèn dầu” hoặc hộ nào khá hơn, có máy phát điện mini, tận dụng dòng chảy gần nhà, cũng chỉ đủ điện để dùng các thiết bị nhỏ cho hộ gia đình.

Mỏ Vàng là một trong những xã xa và khó khăn nhất của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cũng là xã có tỷ lệ thôn, bản và hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia lớn nhất của huyện này. Toàn xã có 917 hộ dân thì có tới 670 hộ thuộc 5 thôn, bản chưa có điện lưới, tất cả đều là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Hoàng Ngọc Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên cho biết, đa phần các hộ dân trong xã chưa có điện, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của xã. Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân trong xã đều mong mỏi được nhà nước đầu tư kéo điện lưới để các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của Mỏ Vàng tiếp cận được thông tin và đời sống bớt khó khăn.

Là huyện vùng cao, địa bàn rộng, Văn Yên là một trong số các huyện còn nhiều thôn, bản và hộ dân chưa có điện lưới quốc gia nhiều nhất ở tỉnh Yên Bái. Toàn huyện Văn Yên có tổng số 15 xã chưa đạt tỷ lệ 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới; trong đó, 38 thôn chưa có điện lưới; 30 thôn đã có điện lưới nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa được sử dụng.

Trong tổng số 3.847 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia của huyện Văn Yên, có tới 3.257 hộ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, ở các xã vùng sâu vùng xa.

Ông Lưu Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết, để giúp nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa sớm được sử dụng điện lưới quốc gia, huyện Văn Yên đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái và ngành điện các cấp quan tâm ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường dây, trạm biến áp đối với các xã nằm trong lộ trình nông thôn mới và các xã hiện đang có tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thấp; đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng, cải tạo lưới điện trên địa bàn huyện.

*Tiếp tục… chờ

Do thiếu vốn để triển khai nên tiến độ dự án xây dựng điện nông thôn ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều trong tình trạng ì ạch. Trong khi đó, ở mỗi huyện có triển khai dự án này, hàng nghìn hộ dân vẫn đang mòn mỏi chờ điện.

Huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có tổng cộng 126 bản với hơn 10.600 hộ dân. Tuy nhiên đến nay, huyện này vẫn còn tới 32 bản với gần 2.800 hộ dân chưa có điện. Một số xã thuộc diện đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia của tỉnh Yên Bái nhưng đã chờ từ hơn 3 năm nay vẫn chưa thấy triển khai. Huyện Mù Cang Chải đã có văn bản đề nghị song đến nay vẫn còn đang tiếp tục phải… chờ.

Ông Giàng A Su, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải cho biết, dự án điện nông thôn trên địa bàn huyện hiện đang bị chậm do thiếu vốn. Nhiều thôn, bản thuộc các xã vùng sâu có 100% số hộ đồng bào chưa có điện, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xây dựng nông thôn mới và hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.

Xã Nậm Khắt hiện có 930 hộ dân thì có tới 220 hộ chưa có điện. Xã Púng Luông cũng còn một bản với 99 hộ dân hoàn toàn chưa có điện. Hai xã này đặt chỉ tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020 của huyện Mù Cang Chải, cũng là hai xã đang phải tiếp tục… chờ vốn để dự án điện nông thôn triển khai từ năm 2014 có thể được tái khởi động trở lại, khi đó mới đảm bảo tiêu chí về điện trong mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với Mù Cang Chải, Trạm Tấu là một trong hai huyện 30a thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Địa bàn rộng, kinh phí đầu tư thấp, là địa bàn có đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều khó khăn, Trạm Tấu cũng là huyện có tỷ lệ cao các thôn, bản chưa có điện lưới. Mặc dù cũng trong danh sách được ưu tiên đầu tư xây dựng điện lưới nhưng huyện này cũng trong tình trạng chung là tiếp tục… chờ vốn.

Ông Giàng A Thào, Bí thư huyện ủy Trạm Tấu cho biết, toàn huyện vẫn còn 26 thôn, bản đang chờ được xây dựng điện lưới quốc gia. Mặc dù công suất dùng điện của người dân ở các khu vực này thấp nhưng người dân rất mong mỏi sớm có điện. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều nêu vấn đề này và huyện Trạm Tấu cũng đã nhiều lần kiến nghị đẩy nhanh các dự án điện nông thôn đang triển khai để sớm đưa được điện đến với các thôn bản này.

*Sớm đề nghị bố trí vốn

Để tái khởi động các dự án điện nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát các vị trí đặt trạm biến áp, các tuyến đường dây cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh.

Tháng 6/2017, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Yên Bái và UBND các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải chỉ đạo các đơn vị và UBND các xã có dự án phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai dự án nhằm đảm bảo cấp điện an toàn và hiệu quả trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình sau này.

Ông Trương Ngọc Biên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân của tình trạng dự án điện nông thôn chậm tiến độ, còn nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia là do năm 2017, nguồn vốn xây dựng đường điện nông thôn chủ yếu do Trung ương cấp chưa được ghi vốn nên một số dự án phải tạm dừng triển khai.

Để thực hiện cấp điện cho hơn 1 vạn hộ dân thuộc 133 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Bộ Công Thương tiếp tục bố trí nguồn vốn để triển khai. Hiện, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh Yên Bái, trình Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ cấp từ nguồn vốn ODA để tiếp tục triển khai dự án.

Trong thời gian tới, khi kinh phí của Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia được cấp, Sở Công Thương Yên Bái sẽ tiếp tục khẩn trương khảo sát để đầu tư cải tạo, đồng thời chỉ đạo Công ty Điện lực Yên Bái đầu tư nâng cấp lưới điện tại các khu vực, nhanh chóng thực hiện việc kéo dây, lắp đặt thiết bị.

Do địa bàn rộng, bán kính cấp điện quá xa nên vào giờ cao điểm chất lượng điện một số khu vực không ổn định, lưới điện thường xuyên bị quá tải. Để khắc phục tình trạng này, ông Trương Ngọc Biên cho biết, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư, nâng cấp một số trạm biến áp, khi các trạm này hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định với chất lượng tốt.

Trả lời ý kiến các cử tri về việc giải quyết vấn đề nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa có điện lưới quốc gia, ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái đang nghiên cứu để có các giải pháp sớm khắc phục tình trạng trên. Tỉnh Yên Bái sẽ có văn bản đăng ký vốn Trung ương để thực hiện triển khai các dự án.

Qua khảo sát, sẽ cần kinh phí trên 300 triệu đồng để đầu tư điện lưới quốc gia cho mỗi thôn bản này. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các thôn bản sẽ bảo đảm được sử dụng điện lưới quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục