Hơn 19.000 cơ sở sản xuất hưởng lợi sau 10 năm thực hiện khuyến công

19:53' - 14/12/2023
BNEWS Theo ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua là 19.082 lượt cơ sở

 

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua là 19.082 lượt cơ sở; trong đó, số lượt cơ sở thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở.

Cục Công Thương địa phương đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Về công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tính đến hết năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức được 6 lần bình chọn cấp khu vực với 1.630 sản phẩm đạt và 4 lần bình chọn cấp quốc gia với 512 sản phẩm đạt. Ngoài ra, các nội dung khác như hợp tác quốc tế và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công… cũng đã được triển khai đạt hiệu quả tốt.

10 năm qua, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả và và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Ngành đã khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Cùng đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất sản xuất công nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần tập trung khắc phục. Đó là, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với các hoạt động khuyến công đã được tăng cường, tuy nhiên công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các đơn vị liên quan ở một số địa phương trong công tác này chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả.

Một số địa phương đang tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương theo hướng sáp nhập về đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh, dẫn đến sự không thống nhất về mô hình hoạt động, cách thức quản lý chương trình, triển khai nhiệm vụ chính trị có tính đặc thù đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về khuyến công. Nguồn lực để thực hiện Chương trình khuyến công tuy đã được quan tâm bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương; bên cạnh đó, phần kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xuất phát từ thực tế, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Ngay sau khi Nghị định được ban hành hoạt động khuyến công nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp, công tác chỉ đạo triển khai hướng dẫn thực hiện mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị định vẫn còn một số khó khăn cần có các giải pháp kịp thời để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025. Đồng thời đề xuất với Chính phủ giải pháp, định hướng cho khuyến công giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết và mong muốn thời gian tới, ngành khuyến công sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao công tác chỉ đạo điều hành, đạt được mục tiêu đề ra.

 

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, hiệp hội, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã tham luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tình hình mới; đặc biệt đề xuất các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các tổ chức, hiệp hội và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách khuyến công trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 382 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ khoảng 19 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã bỏ ra khoảng 55 tỷ đồng để hỗ trợ cho 412 chương trình.

"Quan trọng nhất với kinh phí từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương như vậy tỉnh đã huy động được các cơ sở công nghiệp, nhất là công nghiệp nông thôn đối ứng để thực hiện đổi mới các công nghệ cũng như các hoạt động khuyến công đối với doanh nghiệp khoảng 310 tỷ đồng" - ông Hưng thông tin.

Những năm qua, công tác khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương tại Thái Bình đã tích cực góp phần phân công lại lao động xã hội khu vực nông thôn, đưa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp về nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạt động khuyến công đã góp phần huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo mục tiêu, định hướng của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Tỉnh Thái Bình đã kết hợp các nguồn lực để sử dụng hiệu quả nguồn khuyến công, trong đó, tỉnh đã phối kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tay nghề của người lao động.

Để công tác khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP tốt hơn nữa, trong thời tới, đại diện tỉnh Thái Bình kiến nghị với Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương thường xuyên rà soát xây dựng, bổ sung sửa đổi để hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực khuyến công, tăng cường hơn nữa số lượng các chương trình, đề án từ nguồn khuyến công quốc gia nhằm tạo tác động lớn trong phát triển công nghiệp nông thôn.

Cục Công Thương địa phương cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về thuế; trong đó xem xét bổ sung quy định các khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được từ ngân sách nhà nước như kinh phí khuyến công là khoản thu được miễn thuế, tương tự như khoản hỗ trợ nhận được để sử dụng cho giáo dục, nghiên cứu khoa học...

UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới về khuyến công; đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công một cách phù hợp; quan tâm, tăng cường bố trí vốn từ ngân sách địa phương để triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến công trên địa bàn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục