Hơn 30% doanh nghiệp chưa hiểu gì về phòng vệ thương mại

17:52' - 14/10/2015
BNEWS Kết quả khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho thấy mới có khoảng 60% đến 70% doanh nghiệp đã biết về công cụ phòng vệ thương mại.
Khoảng 60-70% doanh nghiệp Việt Nam được điều tra có hiểu biết về phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Cũng có khoảng 1/3 doanh nghiệp cho rằng, còn tồn tại hiện tượng hàng hóa nước ngoài bán sang Việt Nam với giá rẻ hơn giá bán tại thị trường nước họ. Như vậy là bất hợp pháp.

Đó là kết quả điều tra “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 14/10 tại Hà Nội

Báo cáo cũng phân tích nguyên nhân của tình trạng này là do chính phủ nước ngoài đã trợ cấp cho các hàng hóa xuất khẩu dưới những hình thức khác nhau, hoặc do phía nước ngoài cố tình bán giá rẻ để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, "nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi phải rộng cửa cho hàng hóa nước ngoài vào. Đặc biệt là việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan từ sau năm 2015”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng với hàng hóa nước ngoài.

Tuy nhiên, những biện pháp truyền thống này hiện còn nhiều điểm cần khắc phục để đổi mới hơn và áp dụng linh hoạt hơn.

Phản ánh thực trạng sử dụng phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đương đầu với các vụ kiện và chống bán phá giá, điển hình là các vụ kiện từ Hoa Kỳ đối với cá tra, cá basa và tôm đông lạnh của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo bà Trang, mặc dù hàng hóa Việt Nam xuất khẩu là đối tượng của khoảng 70 vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, nhưng Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này khoảng 4 lần để tự vệ và kiện chống bán phá giá.

Báo cáo cũng phân tích, có tới 86% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính. Chỉ có khoảng 12% cho rằng chi phí kiện phòng vệ thương mại có thể lớn, có thể khiến doanh nghiệp khó khăn, song nếu cần thiết thì vẫn phải làm.

Dưới góc độ chuyên gia, Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty TNHH Luật ATIM cho rằng, thái độ hợp tác của các doanh nghiệp Việt với tư cách là nguyên đơn hay bị đơn rất kém.

Thêm nữa là rào cản tâm lý e ngại của các doanh nghiệp Việt đối với nước ngoài. “Đây là điều cần loại bỏ nếu chúng ta tham gia vào cùng một sân chơi để hội nhập với quốc tế”, ông Vinh chia sẻ.

Giải đáp thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, các công cụ phòng vệ thương mại chỉ áp dụng với hàng hóa chứ chưa mở rộng đối với các loại hình dịch vụ. Đây là điều có thể sẽ cần được xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh nếu cần thiết./.

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục