Hơn 533 tỷ đồng hoàn thiện mạng lưới thủy lợi Gò Công

15:29' - 09/02/2024
BNEWS Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ gần 39.000 ha đất canh tác vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Trong đó, có gần 24.000 ha lúa Đông Xuân 2023 – 2024, địa phương đã đầu tư trên 533 tỷ đồng kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai; trong đó, đã nạo vét, nâng cấp 21 tuyến kênh trục chính lấy nước tưới tiêu cho toàn vùng dự án đồng thời các huyện, thị trong vùng như thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Gò Công Tây…

 

Bên cạnh đó, trong mùa khô 2023 – 2024 , tỉnh còn khẩn trương thi công 70 tuyến kênh rạch nội đồng có tổng chiều dài trên 143.000 m, khối lượng đất đào đắp gần 4,2 triệu m3 đất với kinh phí vào khoảng 23 tỷ đồng nhằm chủ động đưa nước tưới tiêu đến từng chân ruộng.

Mặt khác, tỉnh giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang triển khai các giải pháp ứng phó tích cực trong mùa khô hạn 2023 – 2024 nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống hạn mặn và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không để thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, công ty tăng cường quan trắc diễn biến xâm nhập mặn qua hai tuyến sông: sông Tiền và sông Vàm Cỏ nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.

Trường hợp mặn có xu hướng diễn biến phức tạp hơn dự báo ban đầu sẽ khẩn trương vận hành Trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo) bơm trữ ngọt khẩn cấp cho khu vực cánh đồng lúa Đông Xuân phía Bắc Quốc lộ 50 cũng như tiếp nước cho các trạm bơm chuyền trên các trục kênh chính là: kênh Sơn Qui, kênh Trần Văn Dõng và kênh Champeaux đảm bảo nguồn nước cho toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Công ty cũng kết hợp cùng các địa phương trong vùng dự án tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về giải pháp chủ động ứng phó hạn mặn, nhất là sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước phòng chống ô nhiễm gắn với tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dỏng chảy, dọn cỏ rác và lục bình giúp các tuyến kênh mương phát huy hiệu quả tưới tiêu.

Bên cạnh đó, kiểm soát tốt các vùng trũng trong nội đồng khu vực huyện Gò Công Tây cũng như vùng cuối nguồn dự án để tiêu úng kịp thời khi các cống vận hành lấy ngọt bổ cấp trong nội đồng. Song song đó, khuyến cáo nông dân tích cực bơm trữ nước trong nội đồng và các ao mương vườn nhằm duy trì nguồn nước ứng phó hạn mặn kịp thời.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cống trong vùng ngọt hóa Gò Công đang đóng ngăn mặn triệt để, trừ cống đầu mối Xuân Hòa tranh thủ lấy nước khi có điều kiện bổ cấp vào trữ trong nội đồng. Công ty cũng thường xuyên kiểm tra các cống đảm bảo ngăn mặn trước, trong và sau Tết.

Đáng mừng là nguồn nước dồi dào đảm bảo phục vụ sản xuất; hiện mực nước nội đồng trong dự án ngọt hóa Gò Công dao động ở mức +0,5m đến 0,53 m. Trà lúa Đông Xuân trong vùng cũng đã có gần 21.000 ha đang ở giai đoạn đòng, trổ và chín. Diện tích cắt nước đạt khoảng 30% tổng diện tích gieo sạ.

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, căn cứ vào tình hình thủy văn và thực tế sản xuất hiện nay thì nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh thời kỳ trước, trong và sau Tết Nguyên đán vẫn đảm bảo. Do vậy, trà lúa Đông Xuân vùng dự án ngọt hóa Gò Công khả năng hứa hẹn thu hoạch ăn chắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục