Hơn 7.400 học sinh đoạt giải quốc gia Violympic 2021 – 2022

15:26' - 02/06/2022
BNEWS Lễ tôn vinh và trao giải Cuộc thi giải toán và vật lý qua Internet (Violympic) năm học 2021 – 2022 khu vực phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội ngày 2/6.

Sự kiện cũng đánh dấu cột mốc năm thứ 15 Violympic tiếp lửa niềm đam mê toán học và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ số cho 40 triệu học sinh cả nước.

Dựa trên kết quả và tính hợp lệ của các bài dự thi vòng chung kết quốc gia, từ 64.569 học sinh dự thi đã có 7.455 em học sinh từ Tiểu học đến THPT đạt giải ở 3 bộ môn: Toán tiếng Anh, toán tiếng Việt và Vật lý; trong đó có 814 học sinh đạt giải Vàng; 1.347 học sinh đạt giải Bạc; 2.149 học sinh đạt giải Đồng; và 3.145 học sinh giành giải Khuyến khích.

Thống kê theo môn thi, môn toán tiếng Việt dẫn đầu với 504 giải Vàng, 919 giải Bạc, 1.409 giải Đồng, 2.226 giải Khuyến khích. Toán tiếng Anh có 200 thí sinh đạt giải Vàng, 307 giải Bạc, 510 giải Đồng, 701 giải Khuyến khích. Vật lý có 110 giải Vàng, 121 giải Bạc, 230 giải Đồng và 218 giải Khuyến khích.

Để đạt được những thành tích này, các em đã xuất sắc vượt qua 6 vòng thi tự luyện, 3 vòng các cấp trường, quận/huyện, tỉnh/thành phố, cũng như dẫn đầu trong cuộc đua của gần 65.000 học sinh đến từ 49 tỉnh thành tham gia vòng chung kết quốc gia.

Năm học 2021 - 2022, Ninh Bình là địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải, với tổng số 1.224 em. Trong khi đó, giải Vàng nhiều nhất thuộc về tỉnh Phú Thọ. Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội luôn nằm trong top những tỉnh thành có lượng thí sinh tham gia và đạt giải cao nhất ở Violympic các năm.

Năm 2022 cũng đánh dấu Cuộc thi giải Toán và Vật lý qua Internet Violympic bước sang năm thứ 15.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc chương trình Violympic cho biết, Violympic được ra đời và phát triển với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sân chơi trực tuyến thân thiện, lành mạnh qua đó hỗ trợ học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức, làm quen với Internet và sử dụng Internet như là một phương thức học tập hiệu quả.

Xuất phát điểm là cuộc thi giải toán bằng tiếng Việt trên Internet, Violympic mở rộng sang cả toán tiếng Anh và Vật Lý. Từ quy mô 40.000 học sinh tham gia, Violympic đã trở thành “món ăn tinh thần” của gần 40 triệu học sinh tại 63 tỉnh thành trên cả nước với gần 100 triệu lượt thực hành trên hệ thống mỗi năm.

Có những thời điểm, Violympic đón hơn 300 triệu lượt truy cập/tháng với gần 200.000 người truy cập đồng thời. Trong giai đoạn 2015 – 2016, Violympic đã vượt khỏi phạm vi Việt Nam khi ra mắt những sân chơi như Global Violympic (thu hút 35.000 thí sinh từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Với thế mạnh công nghệ, Violympic còn không ngừng cải tiến hệ thống và hạ tầng, nâng cấp tính năng qua mỗi mùa để ngày càng hỗ trợ tốt hơn, tạo động lực tích cực cho việc học của các em.

Thử nghiệm và ra mắt phiên bản trên thiết bị điện tử thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để nâng cao trải nghiệm học tập và luyện thi, tăng cường tính bảo mật, nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống để đảm bảo tính ổn định và thông suốt, tối ưu hóa các chức năng quản trị…, cuộc thi đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục 4.0 tại Việt Nam.

Nhờ những nỗ lực này, sau 15 năm Violympic đã khẳng định được vị thế tiên phong của một trong những sân chơi tri thức có quy mô lớn, lịch sử lâu dài và chất lượng đáng tin cậy nhất tại Việt Nam.

Cuộc thi đã được ghi nhận với những giải thưởng uy tín: Giải thưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam, giải thưởng Sao Khuê cho hạng mục sản phẩm và dịch vụ giáo dục (2009).Đồng thời, cuộc thi còn vượt khoảng cách về không gian, trao cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh trên mọi miền tổ quốc.

TS. Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, không chỉ giúp phát triển niềm say mê toán học và công nghệ cho học sinh, chương trình Violympic còn mang ý nghĩa cộng đồng và giàu tính nhân văn.

Việc duy trì sân chơi này giúp các em, dù là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng Internet như một phương thức học tập hiệu quả để khai thác nguồn học liệu phong phú, qua đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục