Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên hỗ trợ đồng HKD kể từ năm 2019

13:31' - 12/05/2022
BNEWS Sáng sớm 12/5, lần đầu tiên tỷ giá hối đoái chạm mức 7,85 HKD đổi 1 USD kể từ tháng 5/2019. Đồng HKD cũng đã dao động ở mức thấp nhất của ngưỡng trong những tuần gần đây.

Hong Kong (Trung Quốc) hôm 12/5 cho biết Cơ quan Quản lý Tiền tệ (HKMA) đã can thiệp để hỗ trợ đồng HKD, đánh dấu quyết định can thiệp đầu tiên kể từ năm 2019 tới nay và là một động thái sẽ gây thêm áp lực vào thời điểm nền kinh tế này đang gặp khó khăn.

 

Sáng sớm 12/5, lần đầu tiên tỷ giá hối đoái chạm mức 7,85 HKD đổi 1 USD kể từ tháng 5/2019. Đồng HKD cũng đã dao động ở mức thấp nhất của ngưỡng trong những tuần gần đây.

HKMA đã ngay lập tức có động thái can thiệp để bảo vệ đồng HKD. Cụ thể, HKMA đã mua khoảng 1,59 tỷ HKD (203 triệu USD) từ các ngân hàng để giữ tỷ giá hối đoái ở mức 7,75-7,85 HKD/USD nhằm bảo vệ hệ thống tỷ giá hối đoái liên kết.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 3 năm qua HKMA can thiệp vào thị trường. Động thái này của HKMA khiến tổng số dư của hệ thống ngân hàng giảm xuống.

Chính quyền Hong Kong đã duy trì nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và đồng HKD.

Theo số liệu, tài sản dự trữ ngoại hối chính thức của Hong Kong vào cuối tháng Tư vừa qua là 465,7 tỷ USD (khoảng 3.650 tỷ HKD), tương đương với khoảng 44% cung tiền M3 bằng HKD. Như vậy, Hong Kong có đủ nguồn lực để bảo vệ hệ thống tỷ giá hối đoái liên kết.

Kể từ tháng 9/2021, HKMA đã phát hành tổng cộng 120 tỷ HKD hối phiếu để "hấp thụ" thanh khoản số dư của hệ thống ngân hàng.

Ngày 5/5, HKMA thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản lên mức 1,25%. HKMA cho biết lãi suất cơ bản là lãi suất cơ sở được dùng để tính lãi suất chiết khấu khi tiến hành các giao dịch mua lại thông qua công cụ cho vay “cửa sổ chiết khấu”.

Tỷ giá hối đoái của HKD mạnh đã giúp Hong Kong vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, trở thành một trong những trung tâm tài chính thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, áp lực lên đồng HKD - chủ yếu do dòng vốn “chảy” đi khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất - xuất hiện vào thời điểm khó khăn đối với thành phố này.

Hong Kong cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo sau các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed, vì đồng HKD bị "neo" theo đồng USD. Điều này đồng nghĩa là chi phí đi vay tại Hong Kong sẽ tăng lên bất chấp triển vọng kinh tế có vẻ khó khăn./.

Trong khi phần lớn thế giới đang phục hồi từ đại dịch COVID-19, Hong Kong vẫn tuân thủ chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc.

Chiến lược này đi kèm với những hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm cách ly bắt buộc tại các khách sạn và hầu như không có bất kỳ hoạt động di chuyển xuyên biên giới nào. Các biện pháp này đã gây tác động bất lợi đến nền kinh tế Hong Kong, cũng như dẫn đến làn sóng “di cư” của các lao động chất lượng cao cả từ nơi này lẫn quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục