Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều vấn đề liên quan ngành giao thông, công thương

17:50' - 01/03/2019
BNEWS Chiều 1/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, đại diện một số bộ, ngành như công thương, nông nghiệp, giao thông đã trả lời nhiều vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo như nào về vấn đề triển khai dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như quan điểm của Chính phủ về việc để doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về tiến độ dự án Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng đã có xin ý kiến Thủ tướng chỉ đạo đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đẩy nhanh việc hoàn thiện báo cáo tiền khả thi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã công khai quy hoạch và hiện tại có ACV, đơn vị được giao quản lý khai thác Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư. Tuy nhiên từ ngày 29/9/2018, ACV chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên việc này cần ý kiến của cơ quan chủ quản ACV” Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC. Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh.

“Tuy nhiên, FLC mới đề xuất chứ chưa có nghiên cứu gì cụ thể như là báo cáo tiền khả thi của ACV. Chúng tôi sẽ tập hợp lại và làm việc với các cơ quan của Chính phủ cũng như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lựa chọn sớm nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Về dự án muối mỏ tại Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, hiện dự án này đã dừng và các cơ quan chức năng đang tích cực thu hồi kinh phí đã bỏ ra.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mục tiêu là thu hồi được cao nhất số tiền đã rót vào dự án này, kể cả tìm cách bán dự án nếu được. Mặc khác, Bộ Công Thương và Vinachem cũng sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào có tổng mức đầu tư 522 triệu USD; trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD.

Về câu hỏi Bộ Công Thương đang làm gì để xúc tiến hỗ trợ đưa hàng lên trang thương mại Amazon và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi thế nào từ việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Amazon là công ty lớn nhất về thương mại điện tử, chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua nhu cầu của các doanh nghiệp và xét đến nhu cầu của cần tận dụng thương mại điện tử để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hoá , Bộ Công Thương đã phối hợp với Amazon Global Selling và đã ký một hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị này.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một số nội dung trong ký kết hợp tác là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới thông qua trang Amazon.com.

Thứ hai, để phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử của Amazon.com.

Thứ ba, Amazon sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo các kỹ năng về kinh doanh quốc tế và kỹ năng về thương mại điện tử khi giới thiệu sản phẩm của mình trên Amazon.com.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Một điểm nữa là hỗ trợ cho các cán bộ, trước hết của Cục Xúc tiến thương mại và những người làm xúc tiến thương mại trên toàn quốc về các kỹ năng xúc tiến thương mại nói chung; trong đó, có phát triển thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đánh giá đây là một trong những nét mới của hoạt động xúc tiến thương mại. Đây cũng là biện pháp hết sức hữu hiệu thông qua một doanh nghiệp rất lớn và mang lại hiệu quả rất cao cho các doanh nghiệp Việt Nam với một chi phí rất hợp lý.

“Trong thời gian tới, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc rất quan trọng là phải cải tiến mẫu mã của các sản phẩm để phù hợp với các thị trường, thị hiếu khác nhau trên địa bàn toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp tích cực với Amazon để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Về những lo ngại về dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, thành lập 8 đội phản ứng nhanh, thị sát tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh, địa phương.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc kiểm soát cũng còn nhiều khó khăn do đường lây truyền của vi rút dịch tả lợn châu Phi rất phong phú. Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và gây hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi tại 6 tỉnh, thành phố.

“Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch có 2 vấn đề bất cập, đó là các huyện dồn hết lực lượng thú y và bảo vệ thực vật vào một trung tâm dịch vụ nên lượng lượng giám sát còn khó khăn, gây cản trở cho việc tổ chức phòng chống dịch. Bên cạnh đó, mức đền bù ở nhiều địa phương còn thấp, lại vướng thủ tục hành chính quy định nên cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bán chạy lợn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, Chính phủ cũng đang bàn cải tiến các quy trình thủ tục đền bù, tăng giá đền bù lợn nhiễm dịch cho nông dân lên 70% giá thị trường.

“Cải cách thủ tục hành chính, giá đền bù hợp lý để người dân tự giác báo dịch, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh chứ không vì giá đền bù rẻ quá mà bán chạy lợn”, Bộ trưởng nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục