Họp báo Chính phủ thường kỳ: Cần khoảng 25.000 tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine

20:15' - 03/06/2021
BNEWS Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, Việt Nam cần khoảng 25.000 tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm miễn dịch cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 chiều 3/6, vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm đặt câu hỏi chủ yếu xoay quanh vấn đề vaccine phòng chống dịch hiện nay, việc kiểm soát chất lượng, nguồn kinh phí để mua và kỳ vọng về Quỹ vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.

Trả lời xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, Việt Nam cần khoảng 25.000 tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm miễn dịch cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, ngoài ra còn cần phải tiêm nhắc lại hàng năm. Do vậy, nguồn kinh phí để mua vaccine là rất lớn.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý quỹ, cũng như có thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến huy động nguồn vốn cho quỹ, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, số dư của Quỹ vaccine phòng COVID-19 hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào quỹ.

"Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho quỹ hơn 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19." - Thứ trưởng nói.

Sắp tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất. Từ đó, góp phần cùng ngân sách nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng vaccine nhập khẩu, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, do việc cấp phép vaccine trong tình trạng khẩn cấp nên việc kiểm soát cũng không thể theo tiêu chí thông thường mà phải chấp nhận theo Tổ chức Y tế Thế giới đã cấp phép.

"Do vậy, việc kiểm soát chất lượng tốt nhất là phải trực tiếp mua của các nhà sản xuất, chứ không mua qua trung gian, hoặc nhà sản xuất ủy quyền chính thức bằng văn bản qua công ty, nhưng mua cũng phải trực tiếp", Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định.

Về tiến độ tiêm vaccine của Việt Nam, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập 150 triệu liều vaccine để tiêm 70% người dân. Cơ bản đã tiếp cận số lượng trên, nhưng phía họ cũng yêu cầu ký miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Đồng thời, cũng phải chấp nhận khi giao hàng không đúng tiến độ, vì Việt Nam được đánh giá là kiểm soát dịch tốt nên không được được ưu tiên cung ứng khẩn cấp như một số nước khác.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, từ tháng 8 trở đi nguồn vaccine sẽ về nhiều hơn. Hiện đã đặt tổng số 170 triệu liều nhưng cũng lường trước việc giao hàng không đầy đủ hoặc chậm tiến độ.

"Hiện nay, các khu công nghiệp là nơi lây lan nhanh, virus lần này khác với chủng lần đầu không lây qua nước bọt mà đi qua đường không khí, lơ lửng không rơi nên việc đeo khẩu trang thường xuyên là rất quan trọng.

Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống dịch, trước mắt tập trung ưu tiên cho khu công nghiệp, nhất là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang", Thứ trưởng Cường nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục