Hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và khối Pháp ngữ có nhiều dư địa tăng trưởng

15:43' - 24/03/2022
BNEWS Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Pháp ngữ đang có rất nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển và định hình quan hệ tương lai trên nhiều lĩnh vực tiềm năng

Ngày 24/3 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Đối thoại Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ với chủ đề "Đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong không gian Pháp ngữ".

Diễn đàn Đối thoại Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ. Ảnh: Quốc Tuấn/VCCI cung cấp

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích cung cấp cho các đại biểu những góc nhìn tổng thể về chính sách thu  hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và về hợp tác quốc tế của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; thông tin về những đóng góp của cộng đồng Pháp ngữ đối với việc xây dựng và hoạch định chính sách nhằm làm nổi bật cơ hội kinh doanh và đầu tư trong một số lĩnh vực kinh tế.

Diễn đàn cũng là nơi đề xuất những khuyến nghị đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành để đối diện với những thách thức nhằm thúc đẩy kết nối, bổ trợ kinh tế bởi đầu tư, thương mại giữa các nước và các khu vực nói tiếng Pháp.

Phiên thảo luận của diễn đàn gồm nhiều chuyên đề, tập trung vào một số nội dung như: thúc đẩy mối quan hệ đối tác nông nghiệp và công nghiệp chế biến tại Việt Nam và giữa các khu vực Pháp ngữ; hợp tác giữa các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ; hợp tác kinh doanh tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ liên quan tới hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trong thời đại công nghệ 4.0

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất trên thế giới, tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam mở cửa và hợp tác trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và thực tế cũng đã cho thấy những tín hiệu rất vui từ nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng GDP của cả năm 2021 ước đạt 2,58%. Thị trường tiền tệ tín dụng tỷ giá cũng đang duy trì ổn định, cùng với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Có thể thấy, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Pháp ngữ đang có rất nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển và định hình quan hệ tương lai trên nhiều lĩnh vực tiềm năng. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Nông sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam, chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn với thị trường quốc tế.

Về năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững, tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh chính đã công bố cam kết rất mạnh mẽ, là sẽ đạt mức phát thải ròng Việt Nam bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng tái tạo theo hướng bền vững, với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết thêm: dư địa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Pháp ngữ còn rất nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế số, năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững, chế tạo chế biến, hàng không, y tế, thực phẩm,... Ông Vinh tin tưởng rằng, với sự năng động của doanh nghiệp, sự ủng hộ và quan tâm của Chính phủ trong không gian Pháp ngữ, quan hệ kinh tế thương mại giữa các quốc gia sẽ ngày càng đi vào chiều sâu trên cả bình diện song phương và đa phương.

Bà Louise Mushiwabo, Tổng Thư ký Pháp ngữ cho biết, cộng đồng Pháp ngữ hiện nay đã có những phát triển với 54 quốc gia thành viên và 24 thành viên quan sát. Thông qua diễn đàn, cộng đồng Pháp ngữ mong muốn tăng cường hơn nữa sự đoàn kết trong cộng đồng Pháp ngữ với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực lên kinh tế, đời sống xã hội, việc tổ chức buổi gặp gỡ là sự thành công rất lớn của Việt Nam trong quá trình mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh.

Bà Louise Mushiwabo cho rằng, phát triển bền vững là xu hướng chung của quốc tế, là yếu tố không thể bỏ qua và cộng đồng pháp ngữ cùng các nước thành viên mong muốn sẽ cùng chung tay thúc đẩy lại sự phát triển lại nền kinh tế sau những tác động tiêu cực mà đại dịch COVID-19 đã gây ra. Mục tiêu của cộng đồng Pháp ngữ là thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và phát triển bền vững, xây dựng chính quyền số, chính sách công,… kết nối, tăng cường trao đổi đầu tư giữa các nước thành viên trong không gian pháp ngữ.

Cộng đồng Pháp ngữ xác định 3 lĩnh vực hợp tác là nông nghiệp, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số để vượt qua thách thức do dịch COVID-19; kết nối để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ vượt qua 20% so với kết quả đạt được hiện nay.

Cũng tại diễn đàn đã diễn ra buổi gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tham dự nắm bắt được cơ hội hợp tác kinh doanh trong không gian Pháp ngữ; gặp gỡ các đối tác cho những dự án hợp tác thương mại và công nghiệp trong 3 lĩnh vực mục tiêu mà đoàn công tác đang quan tâm, cụ thể như nông - công nghiệp thực phẩm; bông - dệt may - quần áo, năng lượng và hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật số./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục