Hợp tác khu vực đối phó với các thách thức xuyên biên giới

14:26' - 23/10/2018
BNEWS Ngày 23/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực nhằm đối phó với những thách thức xuyên biên giới đang ngày càng gia tăng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Reuters

Những thách thức đó bao gồm khoảng cách về cơ sở hạ tầng, kết nối thương mại, hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, các nguy cơ từ biến đổi khí hậu và thiên tai.

Báo cáo về hội nhập kinh tế châu Á (AEIRR) cho rằng sự phối hợp hành động giữa các nước để tạo dựng các giá trị công cho toàn khu vực sẽ mang lại lợi ích to lớn hơn so với việc mỗi nước thực hiện riêng rẽ và có thể ảnh hưởng tới nước láng giềng.

Các giá trị công được nhắc tới ở đây bao gồm hàng hóa, dịch vụ và hệ thống chính sách hoặc luật định mà các quốc gia cùng chia sẻ lợi ích như các hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và hệ thống quản lý rủi ro thiên tai.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada khẳng định việc tăng cường hợp tác và liên kết khu vực sẽ giúp các nước giải quyết hiệu quả với các vấn đề khu vực, đặc biệt khi các nước triển khai những hành động cấp độ quốc gia hoặc trên phạm vi toàn cầu.

Ông đồng thời nhấn mạnh các ngân hàng hoạt động theo mô hình đa quốc gia sẽ giúp tăng các giá trị công trong khu vực bằng cách thu hẹp cách biệt về sự hiểu biết và tài chính cũng như thúc đẩy đối thoại chính sách thường xuyên vì tương lai hợp tác bền vững giữa các nước.

Báo cáo cũng chỉ ra những nỗ lực tại châu Á nhằm thiết lập và tăng cường các giá trị công trong khu vực, như cam kết thủ tiêu căn bệnh sốt xuất huyết vào năm 2030 mà 18 lãnh đạo các quốc gia châu Á đã cùng ký kết năm 2014, đã giúp thúc đẩy các quốc gia hợp tác để đạt mục tiêu. Hay Dự án An ninh y tế khu vực tiểu vùng sông Mekong của ADB cũng đã giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm tại khu vực.

Các chương trình thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia trong Hợp tác Kinh tế Trung Á đã giúp thúc đẩy thương mại liên khu vực, hỗ trợ phát triển kinh tế. Báo cáo đánh giá năm 2017, kim ngạch thương mại liên khu vực của châu Á chiếm 57,8% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu của cả châu lục, cao hơn so với mức 57,2% trong năm 2016.

Báo cáo cũng khẳng định hoạt động thương mại ngày càng phát triển cùng với các kênh liên kết đầu tư tại châu Á và Thái Bình Dương có thể hỗ trợ các nước chống đỡ, giúp kinh tế khu vực đối phó với tình trạng bấp bênh của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ABD cũng cảnh báo việc áp dụng các chính sách thương mại thiếu chắc chắn có thể kìm hãm tốc độ hồi phục thương mại khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung, từ đó làm suy giảm niềm tin người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp trong hoạt động chi tiêu và đầu tư./.

>>>BIDV được vinh danh là đối tác hàng đầu của ADB tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục