Hợp tác truyền thông để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Mekong - Lan Thương

14:34' - 03/07/2018
BNEWS Du lịch là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa các nước tham gia MLC, gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Ngày 3/7, tiếp tục chương trình Hội nghị Truyền thông hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) 2018 tại Viêng Chăn, đại biểu cấp cao đến từ các hãng truyền thông lớn của 6 nước tham gia MLC đã dự các phiên thảo luận với chủ đề tăng cường hợp tác truyền thông, đặc biệt trong truyền thông mới và thúc đẩy du lịch.

Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị Truyền thông hợp tác Mekong-Lan Thương 2018. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh du lịch là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa các nước tham gia MLC, gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Bản thân ngành du lịch đã và đang là một lợi thế không nhỏ của mỗi nước, khi góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp không nhỏ vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước.

Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn và thách thức hiện nay nhằm phát triển ngành du lịch một cách bền vững, sự hợp tác giữa các nước tham gia MLC là đặc biệt cần thiết và hoàn toàn có thể sớm được hiện thực hóa.

Một lĩnh vực hợp tác có ý nghĩa quan trọng giữa các nước dọc sông Mekong - Lan Thương để thúc đẩy phát triển du lịch chính là truyền thông. Bởi hợp tác truyền thông sẽ thúc đẩy sự hiểu biết của người dân các nước về truyền thống và văn hóa của nhau, cũng như phổ biến và chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững và du lịch dựa vào cộng đồng nhằm mang lại thịnh vượng và bền vững ở mỗi nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng giới thiệu tình hình của truyền thông mỗi nước biến đổi trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, như thực tế ảo (VR) hay trí tuệ nhân tạo (AI). Truyền thông mới, đặc biệt là các mạng xã hội, ngày càng phổ biến và phần nào lấn át báo chí truyền thống.

Tuy nhiên, các đại biểu đều nhất trí rằng thực tế “bình thường mới” này là thách thức song cũng là cơ hội với các hãng truyền thông chính thống khu vực. Một mặt, báo chí chính thống chắc chắn cần phải thay đổi cả về nội dung và hình thức truyền tải nhằm đáp ứng những nhu cầu mới trong kỷ nguyên truyền thông mới, song mặt khác vẫn phải duy trì những nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp cơ bản.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc TTXVN - đã nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo trong khu vực cần phải được củng cố và thể hiện hơn nữa khi hiện tượng “tin tức giả” trên các nền tảng truyền thông mới xuất hiện ngày càng nhiều và khó kiểm chứng.

Theo ông, nỗ lực đơn lẻ của một hãng truyền thông nhằm đối phó với tình trạng này là không đủ, do vậy cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa truyền thông các nước. Sự hợp tác xuyên biên giới này sẽ là cơ hội tốt để các hãng truyền thông trong khu vực có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.

Đây là lần thứ hai một hội nghị truyền thông MLC được tổ chức. Hiện hợp tác truyền thông được đánh giá là một trong những lĩnh vực đạt nhiều tiến triển với tốc độ nhanh chóng trong khuôn khổ hợp tác giữa 6 nước tham gia MLC./.

>>>Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công – Lan Thương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục