Hợp tác ứng dụng công nghệ số trong sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao

14:31' - 14/02/2025
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, một trong những giải pháp giúp Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện hiệu quả là ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh.

Nhằm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), sáng 14/2, tại thành phố Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, gia tăng chi phí sản xuất, trong khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải carbon.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được hình thành nhằm phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 có 2 triệu hộ nông dân trồng lúa ở 1.230 hợp tác xã, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia. Các tác nhân tham gia chuỗi đều có nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ giúp chuyển đổi số trong quy trình sản xuất lúa (san phẳng mặt đất, sạ hàng, sạ cụm, tưới nước xen kẽ, phân tích phân bón, dinh dưỡng cung cấp cho lúa, quản lý dịch hại tổng hợp), truy xuất nguồn gốc trong thu hoạch và tiêu thụ, đánh giá và thẩm định kết quả giảm phát thải,...

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tập trung vào phạm vi 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những vấn đề quan trọng của Đề án là đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác lúa bền vững; áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan như giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ carbon (MRV); thực hiện hệ thống MRV để cấp tín chỉ carbon cho các vùng trồng lúa carbon thấp;...

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ba nội dung và yêu cầu ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là: áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã; đánh giá và thẩm định kết quả giảm phát thải (MRV). Chính vì thế rất cần sự đồng hành của các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Năm 2024, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sorimachi Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn người làm công tác khuyến nông xã sử dụng phần mềm kế toán cho hợp tác xã WACA và phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm cho hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Sorimachi Việt Nam  - Sorimachi Hideki, phần mềm Facefarm giúp nông dân lập kế hoạch sản xuất, nhật ký điện tử, liên kết web thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, giám sát quá trình sản xuất, tổng hợp chi phí sản xuất,... Ứng dụng WACA giúp cho các lãnh đạo hợp tác xã dễ dàng nắm được tình hình tài chính, bán tín chỉ carbon… hợp tác xã của mình ở bất kỳ đâu bất kỳ lúc nào. Từ đó, có phương án kinh doanh phù hợp hơn.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản cũng giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ các hợp tác xã tối ưu hóa sản xuất lúa.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hiện đang triển khai thí điểm tại các địa phương. Một trong những giải pháp giúp Đề án thực hiện hiệu quả là ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị, Liên minh Hợp tác xã và các tập đoàn Nhật Bản triển khai thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, hỗ trợ hợp tác xã phần mềm kế toán và quản trị.

Đây là nội dung cần thiết cho hợp tác xã vì Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tập trung chính vào các hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, phải tập huấn, chuyển giao công nghệ quản trị hợp tác xã trong triển khai sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp; kiểm soát nước trong ruộng; quản lý rơm rạ trên đồng ruộng;...

Với các giải pháp thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa gạo được các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế và các hợp tác xã đưa ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư, hợp tác và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, hỗ trợ các địa phương và hợp tác xã triển khai hiệu quả mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

"Ngành nông nghiệp Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, công nghệ số, công nghệ thông minh, công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp,... tham gia hợp tác hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao", Thứ trưởng Trần Thanh Nam mời gọi các doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục