Hợp tác xã - Hạt nhân liên kết để nâng cao chuỗi giá trị

13:20' - 18/08/2018
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, mục tiêu đến năm 2020 là duy trì củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả

Sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Hội nghị trực tuyến về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển 15.000 hợp tác xã. Ảnh: Hoàng Tùng/BNEWS/ TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mục tiêu đến năm 2020 là duy trì củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đangt hoạt động có hiệu quả; phấn đấu có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém).

Tạo điều kiện thành lập mới trên 5.200 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế ở các địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vai trò của hợp tác xã là rất quan trọng và phải là hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp lớn, đồng trục với hơn 6 triệu hộ nông dân để tạo nên một chu trình sản xuất khép kín.

“Có như vậy mới hình thành nên chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp cao hơn để phục vụ cho thị trường gần 100 triệu dân trong nước và xuất khẩu”, Bộ trưởng nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất các mặt hàng nông nghiệp trong nước là rất lớn với công suất 5,5 triệu tấn thịt các loại, hàng triệu tấn cà phê…, nhưng điểm yếu hiện nay vẫn là vấn đề liên kết rời rạc, tách rời với thị trường nên hiệu quả còn thấp và tiêu thụ bấp bênh.

“Chính vì vậy, đẩy mạnh liên kết là nhu cầu bức thiết đặt ra, trên cơ sở tự nguyện giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân để cùng có lợi, tạo ra được dịch vụ đầu vào hợp lý cũng như có đầu ra thuận lợi, phù hợp với giá cả cạnh tranh. Việc hình thành những hợp tác xã tổ chức nông nghiệp sẽ tăng lên nhiều và có bước bứt phá theo hướng chuỗi nông nghiệp toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, những hợp tác xã thành lập mới, hoạt động theo Luật Hợp tác xã đa phần hoạt động rất hiệu quả, ví dụ như Hợp tác xã Đồng Xuân ở Bắc Giang, hay Hợp tác xã Lễ Châu ở Hưng Yên…. Nếu làm đúng nghĩa theo hướng thị trường, hợp tác xã sẽ là nhân tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Mặc dù vậy, qua quá trình thực tế triển khai cũng còn nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp, các địa phương nêu ra các hạn chế còn tồn tại trong quá trình phát triển hợp tác xã cũng như các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, vai trò của hợp tác xã chưa cao để thu hút nông dân, nhiều khi doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư, hỗ trợ sản xuất nhưng khi thu mua theo cam kết lại gặp khó khăn, đôi lúc nông dân thấy giá cao bán ra bên ngoài mà không thực hiện theo cam kết.

Vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp là đẩy mạnh hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong việc tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo lợi ích lâu dài cho các bên.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách, kế hoạch sát hơn về đào tạo nghề cho nông dân. Hội nông dân cần phối hợp với các địa phương, ban ngành triển khai sâu hơn chương trình về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Theo ông Phạm S, nếu phát triển đồng bộ hợp tác xã thì sẽ nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu, có thể lên tới 50-60 tỷ USD trong những năm tới. Mặt khác, cũng cần hoàn thiện chính sách tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, vốn vay dành cho nông nghiệp nông thôn tiếp tục là lĩnh vực quan trọng trong chỉ đạo hoạt động của ngành ngân hàng. Các vấn đề về tháo gỡ vốn vay cho hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp… thời gian qua cũng được thực hiện thông qua các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và các hợp tác xã, nông dân.

Riêng đối Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nhiều lần xin ý kiến nhằm hoàn thiện những vấn đề liên qua tới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa ra những khái niệm về liên kết , theo chuỗi giá trị... Ngân hàng Nhà nước cũng mới trình lại Chính phủ để xem xét sớm ban hành./.

>>>Tạo đòn bẩy để khu vực kinh tế tập thể phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục