Hợp tác xã hưởng ứng sử dụng năng lượng tái tạo

07:40' - 03/06/2023
BNEWS Đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn cho toàn quốc đang đối diện với nhiều thách thức trước biến đổi khí hậu và dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Thực tế tại nhiều hợp tác xã vẫn đang khó mở rộng sản xuất kinh doanh vì thiếu nguồn điện cung cấp. Vì thế, việc tạo điều kiện để hợp tác xã đầu tư và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất sẽ giúp gia tăng lợi ích, giảm chi phí, từ đó phát triển theo hướng bền vững.

 

Mặc dù phát triển tại vùng có thế mạnh về thuỷ sản nhưng nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn liên tục rơi vào cảnh thiếu điện. Nhiều hợp tác xã chia sẻ rằng rất vất vả khi nuôi tôm không đủ điện chạy quạt oxy mà phải chạy bằng máy dầu khiến gia tăng chi phí gấp 4-5 lần.

Hơn nữa, nếu thành viên hợp tác xã kéo điện sinh hoạt ra tận ao nuôi lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện và khiến các thiết bị trong nhà gần như không hoạt động được.

Tương tự, Hợp tác xã H’Mông, tỉnh Điện Biên đang phát triển mô hình trồng dâu tây, su su, khoai sọ, măng tây… định hướng tiếp tục phát triển nhà máy chế biến để mở rộng khả năng tiêu thụ nông sản và kết hợp làm mô hình du lịch. Thế nhưng, do còn khó khăn về địa hình nên việc kéo hệ thống điện phục vụ sản xuất, chế biến chưa thành hiện thực.

Anh Dương Anh Văn- Giám đốc Hợp tác xã H’Mông bày tỏ, nếu không có nguồn điện ổn định phục vụ hoạt động máy móc công suất lớn cũng đồng nghĩa không tối ưu được chuỗi sản xuất.

Theo các chuyên gia, năm 2023 dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, kéo theo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước.

Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến ngày 11/5/2023, có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhiều vùng miền vẫn bị thiếu điện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong khi những vùng này lại có lợi thế về du lịch, phát triển sản phẩm bản địa.

Nguyên nhân là do chưa tận dụng được các nguồn năng lượng tái tạo; trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng sản sinh ra nguồn năng lượng như phong điện, thủy điện, sinh khối, thủy triều.

Xuất phát từ nguyên nhân này cũng như hướng tới lợi ích thiết thực về kinh tế- xã hội và môi trường, ngày càng nhiều hợp tác xã quan tâm đến giải pháp năng lượng sạch.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, tỉnh Hậu Giang cho biết, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng là giải pháp giúp đơn vị tiết giảm được chi phí sản xuất. Do đó, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu lượng điện năng sử dụng luôn được hợp tác xã quan tâm.

Ngoài ra, hợp tác xã cũng ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại đèn LED, thiết bị tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm. Đặc biệt, thường xuyên chia sẻ để người lao động chung tay sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Phan Văn Minh Phụng- Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Gia Nguyễn, tỉnh Lâm Đồng chuyên sản xuất rau hữu cơ thủy canh chia sẻ, do nhu cầu sử dụng nước lớn và thường xuyên, nhất là mùa nắng nóng nên hợp tác xã phải dùng trên 15 máy bơm công suất lớn.

Để giảm chi phí tiền điện, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng, nhất là hạn chế sử dụng điện vào các cao điểm, hợp tác xã còn sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Nhờ áp dụng hình thức này chi phí tiền điện hàng tháng đã giảm khoảng 30% so với trước.

Tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên, Hợp tác xã Tân Phát Lợi, tỉnh Cà Mau đã đầu tư thiết bị sấy sử dụng năng lượng mặt trời, giúp chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Việc sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời cũng giảm phát thải khí nhà kính so với sấy bằng than củi truyền thống.

Ngoài những hợp tác xã tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất và sản xuất điện lưới, nhiều hợp tác xã chăn nuôi xây dựng hầm biogas vừa góp phần cung cấp thêm năng lượng thông qua lượng khí đốt vừa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, để tận dụng được nguồn năng lượng, các chuyên gia cho rằng, ngành chức năng cần quan tâm phát triển dự án năng lượng tái tạo; đồng thời phân bổ một cách hợp lý dựa vào điều kiện tự nhiên và đặc tính của nguồn năng lượng.

Bởi hiện nay hầu hết dự án năng lượng tái tạo tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc. Hơn nữa, hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.

Mặc dù lợi ích từ năng lượng tái tạo là không thể phủ nhận nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá cao dẫn đến việc vẫn còn ít hợp tác xã, hộ dân đầu tư cho lĩnh vực này.

Do đó, ngoài hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng linh hoạt, cơ quan chức năng cần tập trung phát triển dự án năng lượng tái tạo phù hợp với thực tiễn. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường, vừa mở ra cơ hội lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển của hợp tác xã ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế tới đây cần nghiên cứu dự án hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã tại Việt Nam phát triển năng lượng sạch, tái sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục