Hợp tác xã nông nghiệp loay hoay trong liên kết sản xuất

13:33' - 27/03/2018
BNEWS Trong xu thế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, vai trò của hợp tác xã kiểu mới lại càng quan trọng, nhất là với vai trò cầu nối thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thu hoạch và phân loại tỏi tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thụy An xã Thụy An huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Từ lâu, các Hợp tác xã (HTX), đặc biệt là HTX nông nghiệp được ví như “bà đỡ’ cho nông dân với nhiều dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất.

Trong xu thế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, vai trò của HTX kiểu mới lại càng quan trọng, nhất là với vai trò cầu nối thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, thực tế nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp tại Thái Bình vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm những đối tác doanh nghiệp, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản.

*Cầu nối doanh nghiệp và nông dân

Tỉnh Thái Bình hiện có 480 HTX với tổng số thành viên trên 525.600 người, chủ yếu là HTX nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản với con số 318 - chiếm tới 66%. Năm 2017 doanh thu bình quân của các HTX trên địa bàn đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm; lãi bình quân đạt 90 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, HTX nông nghiệp đã thực hiện nhiều khâu dịch vụ, áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng chuyên cây, chuyên con có giá trị cao…

Một số mô hình HTX kiểu mới sản xuất, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

Từ hai năm nay, sau mỗi vụ gieo trồng lạc, gia đình chị Bùi Thị Khuy, thôn Hoàng Nông, xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà) lại bán cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông.

Ngay từ đầu vụ, HTX đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn biện pháp canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cuối vụ tổ chức thu mua nông sản. Cách làm này đã giúp gia đình chị cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã bớt vất vả hơn nhiều so với trước đây phải bán nhỏ lẻ hoặc bán cho tư thương, giá cả bấp bênh.

Điệp Nông là một trong số những HTX điển hình của tỉnh Thái Bình thực hiện được liên kết sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Từ lợi thế thâm canh nông nghiệp hiệu quả cao, HTX đã nhạy bén tìm thị trường cho sản phẩm bằng cách kết nối doanh nghiệp với nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông cho rằng, nếu không liên kết với doanh nghiệp sẽ rất khó để giải được bài toán tiêu thụ đầu ra cho nông sản.

Nông dân có tư liệu sản xuất, có trình độ thâm canh song lại khó tiếp cận thị trường; trong khi đó, đây lại là thế mạnh của doanh nghiệp. Bởi vậy, HTX không chỉ là cầu nối mà còn là “bà đỡ” cho nông dân trong liên kết sản xuất.

Đến nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông đã có hợp đồng liên kết sản xuất với 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất một số loại cây trồng chủ lực như lạc, ngô, kê….

Trong mỗi liên kết, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu tư giống cho nông dân, HTX đứng ra tổ chức cho sản xuất và thu mua sản phẩm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Nhờ đó, nông dân yên tâm sản xuất, tránh được điệp khúc “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa” kéo dài nhiều năm trước đây.

*Loay hoay tìm đối tác liên kết

Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, đến nay toàn tỉnh có 210 HTX tham gia liên kết với 20 doanh nghiệp nhằm thực hiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên.

Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 9.766 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt 4,34% so với tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn là 225.148 ha.

Với đặc điểm thổ nhưỡng tốt, người dân xã Thụy An (huyện Thái Thụy) xen canh giữa cây thuốc lào, hành, tỏi, dưa các loại cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Đây là những loại cây trồng truyền thống của người dân địa phương. Sản xuất tràn lan, không theo nhu cầu thị trường nên hầu như năm nào địa phương này cũng rơi vào tình cảnh bị thương lái ép giá.

Anh Mai Đức Thương, thôn An Cố Tân, xã Thụy An cho biết, tính riêng cây tỏi năm nay đã có lúc giá hạ chỉ còn 1/3 so với mọi năm. Cụ thể, đầu vụ giá tỏi được thu mua 20.000 đồng/kg, giữa vụ còn 15.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tỏi vào vụ thu hoạch chính chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Vì sản xuất ồ ạt, không có định hướng, nên người nông dân như “đánh bạc” với thị trường, may thì được giá cao - anh Thương so sánh.

Thu hút doanh nghiệp, đối tác vào liên kết sản xuất là bài toán khó với chính quyền địa phương nói chung và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thụy An nói riêng.

Ông Nguyễn Thế Đào - Ủy viên Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Thụy An cho biết, do đặc điểm của đất ven biển chua mặn, pha nhiều đất cát nên địa phương phát triển một số loại cây trồng chủ lực là hành, tỏi, thuốc lào, dưa lê, dưa hấu, dưa bao tử.

Hiện mới chỉ dưa bao tử có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ đầu vụ, nhưng cũng rất hạn chế. Năm 2017, diện tích có liên kết với doanh nghiệp là 50 ha, đạt giá trị 1 tỷ đồng.

Các loại nông sản khác dù năng suất cao nhưng không thể tìm được doanh nghiệp liên kết, thu mua. Bởi vậy, mong mỏi của nông dân là thu hút được doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực địa phương. 

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Bình xác định lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị.

Đây là giải pháp quan trọng để có thể đẩy mạnh liên kết giữa hộ nông dân, đại diện của hộ nông dân (nhóm hợp tác, HTX) với doanh nghiệp.

Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp sẽ giữ vị trí tiếp cận thị trường, đồng thời giúp hộ nông dân tổ chức lại sản xuất và sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường cần.

Mục tiêu của đề án gia tăng sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng trong đó lúa gạo đạt 10%, rau củ quả 10% và ngô 20%.

Từng bước tổ chức lại sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành, Thái Bình hiện đang thực hiện đề án “Phát triển mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012 gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên”.

Mục tiêu của đề án đặt ra đến năm 2020 toàn tỉnh có 10 mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012 gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên, mỗi năm thực hiện thí điểm 2- 3 mô hình.

Việc hình thành, phát triển mối liên kết sản xuất, trong đó HTX giữ vai trò “bà đỡ” - cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ tạo những bước đi vững chắc giúp ngành nông nghiệp Thái Bình đi theo định hướng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao./.

Xem thêm:

>>>Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã

>>>Thái Bình sẽ thí điểm 5 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục