Hợp tác xã phi nông nghiệp có nhiều bước tiến nổi bật

15:56' - 07/12/2021
BNEWS Sau 20 năm hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.
Ngày 7/12, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.

Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, sau 20 năm hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.

Thông qua việc triển khai Nghị quyết đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phi nông nghiệp; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã củng cố tổ chức bộ máy, thống nhất và liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ theo Điều lệ, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, các loại hình hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều bước tiến nổi bật; trong đó, lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại.

Số lượng hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 hợp tác xã, 16 Liên hiệp hợp tác xã, 44.226 tổ hợp tác, thu hút gần 3 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002.

Cùng với đó, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt từ 55 - 80% và có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với hợp tác xã nông nghiệp.

So với chung cả nước, tổng số hợp tác xã, số lượng thành viên và lao động của hợp tác xã phi nông nghiệp thấp hơn, chiếm 30%, nhưng đạt tỷ lệ cao hơn trong vốn 58,5%, tài sản 91,2%, doanh thu 67,1%, lợi nhuận 51,3%, thu nhập bình quân gấp 1,9 lần so với hợp tác xã nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao việc thời gian qua kinh tế tập thể, hợp tác xã đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tiềm năng, nội lực. Đặc biệt, trình độ quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và an toàn của hợp tác xã; kết nối giữa các hội thành viên với doanh nghiệp được nâng lên.

Cụ thể, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã đã có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn, cung ứng từ 18 - 62% lương thực thực phẩm và mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, tạo hơn 40.000 việc làm mới hàng năm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chiến cũng chỉ ra một số tồn tại như nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa ngang tầm với việc đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra rất nhiều giải pháp để góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại nhưng thực hiện chưa hiệu quả, đơn cử như giải quyết về đất đai; tiếp cận vốn; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên phương diện quản lý, tiếp cận khoa học kỹ thuật và nhất là tiếp cận với kinh tế thị trường.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu trong triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã như Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định là kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn của đời sống xã hội.

Cùng với đó, qua 2 hội nghị tổng kết hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp, Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế thị trường kinh tế tập thể, hợp tác xã cần thiết phải tổng hợp và phân tích kỹ, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị xác đáng với Chính phủ, trung ương nghiên cứu để ban hành nghị quyết mới, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012; tháo gỡ những nút thắt nhất về đất, vốn, về đào tạo, quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với dân số chiếm 14,7% dân số của cả nước nhưng diện tích chiếm 3/4 diện tích của cả nước nằm trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu 87% dân số sống ở vùng nông thôn. Nếu có được những mô hình hợp tác xã phát triển theo kiểu mới sẽ tạo điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Hầu A Lềnh đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục quán triệt tổ chức tốt các quan điểm, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX; các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Qua đó, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng góp phần cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Chia sẻ thêm về tác động của Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, quy định về thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện.

Hơn nữa, việc tổ chức và hướng dẫn đăng ký được cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh, huyện thực hiện đúng theo quy định của Luật; quy trình, thủ tục đăng ký hợp tác xã được niêm yết công khai. Đáng lưu ý, qua đây các hợp tác xã đã từng bước nâng cao chất lượng thành viên, thu hút số lượng lớn các hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên hợp tác xã.

Do đó, đã có trên 80% thành viên thực hiện góp vốn vào hợp tác xã; vốn chủ sở hữu chiếm 72% tổng nguồn vốn của hợp tác xã. Ngoài ra, có tới 91% hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã huy động vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, doanh thu của các hợp tác xã hiện nay ước đạt 74.669 tỷ đồng, tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013, bình quân doanh thu đạt 8 tỷ đồng/hợp tác xã. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh thu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên chiếm trên 80%; lãi bình quân của một hợp tác xã tăng 61,7% so với năm 2013.

Giai đoạn 2013-2021 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động đạt 6,41%; cung ứng dịch vụ cho thành viên với chi phí đầu vào giảm khoảng 20-25%, giá bán sản phẩm tăng từ 10-15%.

Nhân dịp này, Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tặng bằng khen cho 19 hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục