Hưng Yên hình thành vùng chuyên canh hoa quả tập trung

12:35' - 30/11/2020
BNEWS Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đề án "Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 - 2025".

Theo đó nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bốn mùa hoa thơm trái ngọt

Hưng Yên vốn là vùng đất của cây trái ăn quả cho chất lượng thơm ngon từ nhiều đời nay bởi có lợi thế đất đai màu mỡ. Hưng Yên còn có hơn 80 km sông Hồng và sông Luộc chạy qua, tạo nên dải phù sa thuận lợi về canh tác, thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn trái và hoa cây cảnh. Những năm qua toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 10 nghìn ha đất canh tác trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh kết hợp chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 13 nghìn ha cây ăn quả và hoa cây cảnh, tập trung nhiều ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên...

Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, diện tích cây ăn quả của tỉnh chiếm hơn 12% tổng diện tích cây ăn quả vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 vùng này sau thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương. Tốc độ mở rộng diện tích tăng nhanh hàng năm với mức từ 5,9% đến hơn 11%. Sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh hiện nay đạt gần 200.000 tấn, đạt tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm giai đoạn 2010 - 2018, tập trung chủ yếu ở huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên.

Thị trường tiêu thụ hoa quả của Hưng Yên ở trong nước là chính, chiếm 98% tổng sản lượng sản xuất. Phần lớn sản phẩm quả ở Hưng Yên tiêu thụ tại thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Các kênh phân phối hiện đại có hệ thống siêu thị lớn như: Fivimart, BigC, Sài Gòn Co.opmart, Aeon, Metro... Ngoài ra, được phân phối qua các chợ truyền thống ở khắp các tỉnh do khoảng 90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua rau quả ở các chợ này.

Những năm gần đây, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản để các cơ sở kinh doanh hoa quả tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành trong cả nước đến Hưng Yên trực tiếp khảo sát, chứng kiến quy trình sản xuất theo công nghệ sạch, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Về xuất khẩu, một số nông sản chất lượng cao của Hưng Yên như nhãn lồng, chuối tiêu hồng đã thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào các kênh phân phối chính thống, các chợ đầu mối, siêu thị phục vụ người tiêu dùng trong cả nước; từng bước tiếp cận được các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Australia.... mang lại cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa Hưng Yên.

Hướng tới vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, các bước triển khai đề án "Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 - 2025" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đảm nhiệm. Đề án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, hoa, cây cảnh an toàn, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm quy mô lớn tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ mở rộng diện cây ăn quả toàn tỉnh lên 17.500 ha; trong đó, ổn định diện tích nhãn là 5.000 ha; bưởi và cây có múi, vải, ổi, chuối... mỗi loại từ 2.000 - 2.500 ha, hoa 1.500 ha, cây cảnh 1.000 ha. Phấn đấu 100% diện tích của vùng sản xuất tập trung từ 5 ha trở lên; đồng thời, thực hiện theo chuỗi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu và được sản xuất, chứng nhận đáp ứng theo VietGAP.

Theo đó, cây ăn quả, hoa cây cảnh  phát triển theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật trong sơ chế, chế biến nhãn, vải; coi trọng "chế biến sâu" nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm.

Trong sản xuất, tỉnh ưu tiên ứng dụng các công nghệ an toàn, hữu cơ tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường như: nhà lưới, nhà kính, tưới nước; sử dụng công nghệ tự động hoá, hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, ẩm độ, nhiệt độ tự động; công nghệ tưới phun; kết hợp bón phân tự động theo nhu cầu dinh dưỡng của cây; đồng thời khuyến khích liên kết, xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, tiếp cận và sử dụng các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.

Hiện trên địa bàn Hưng Yên đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, hoa và cây cảnh tập trung như: vùng trồng nhãn ở các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); vùng trồng cam xã Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa (Phù Cừ), Quảng Châu (thành phố Hưng Yên); vùng trồng vải trứng xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), Đa Lộc (Ân Thi); vùng trồng hoa Xuân Quan, Phụng Công, quất cảnh Mễ Sở (Văn Giang)... Các vùng sản xuất này đang mang lại hiệu quả lớn, với mức thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm. Riêng vùng hoa cây cảnh Văn Giang cho thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng/ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục