Hướng đến nền nông nghiệp đa giá trị

08:22' - 16/08/2022
BNEWS Hiện tại, người tiêu dùng nội địa cũng đang dần tiến đến tiêu dùng xanh thông qua hàng loạt các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.…

Xu thế sản xuất xanh và tiêu dùng xanh không còn xa lạ đối với người tiêu dùng thế giới. Hiện tại, người tiêu dùng nội địa cũng đang dần tiến đến tiêu dùng xanh thông qua hàng loạt các sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.…

Những yêu cầu sản phẩm xanh trước nhất là an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Xa hơn nữa, để có sản phẩm xanh, người sản xuất cũng phải hướng đến sản xuất xanh, vừa đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng, vừa bảo vệ được môi trường sản xuất an toàn, lâu dài và tạo thế cạnh tranh mới.

*Bảo vệ môi trường sản xuất

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, nông nghiệp phát thải 88,6 triệu tấn CO2, toàn ngành sử dụng hơn 10 triệu tấn phân bón cho toàn bộ các hoạt động sản xuất cây trồng.

Nếu điều chỉnh con số này xuống thấp hơn trong tương lai, ngành nông nghiệp có thể dần hướng đến một nền nông nghiệp sạch, xanh, vừa an toàn cho môi trường sản xuất, cũng vừa an toàn cho môi trường sống của người sản xuất tại các khu vực nông thôn, nguồn thực phẩm tạo ra cũng là nguồn thực phẩm sạch.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ sản xuất lúa đến nuôi tôm, canh tác cây ăn trái cũng dần được chuyển hướng sang sản xuất an toàn cho môi trường như sử dụng chế phẩm sinh học, phân vi sinh trong sản xuất cây ăn trái, sản xuất mô hình lúa – tôm.

Điển hình, anh Lê Nguyễn Văn Khoa, chủ trang trại tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã hướng đến nuôi tôm an toàn với môi trường. Theo anh Khoa, anh đang nuôi tôm trên diện tích 20 ha. Với diện tích lớn này, lượng nước thải từ nuôi tôm rất lớn.

Vì vậy, để an toàn cho môi trường bên ngoài, lượng nước thải từ nuôi tôm phải được xử lý đảm bảo an toàn, sạch, trong suốt trước khi thải ra môi trường. Với mỗi hồ nuôi tôm, anh Khoa đầu tư một bể biogas bằng nguyên liệu composite với thể tích 17 m3. Chất thải xi phông, kể cả vỏ tôm, xác tôm chết từ hồ nuôi được đưa vào bể biogas. Qua xử lý, nước thải từ bể biogas chảy ra ngoài trong suốt, không có mùi hôi. Kinh phí đầu tư cho bể không lớn nhưng hiệu quả rất cao, an toàn cho môi trường. Nước thải luôn được kiểm tra và có giấy chứng nhận trước khi thải ra môi trường.

Nông nghiệp xanh, hay nông nghiệp tuần hoàn cũng được các doanh nghiệp ứng dụng để tạo nên các sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp áp dụng hiệu quả như Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH, Công ty TNHH công nghệ cao Khang Quân, Công ty cổ phần Nông trại EDEN, Công ty TNHH Huy Long An,…

 

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, vì các sản phẩm của Huy Long An xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản như chuối Fohla, bưởi da xanh, … nên yêu cầu của nhà nhập khẩu rất cao. Người sản xuất phải đảm bảo làm tốt 141 tiêu chí về an toàn thực phẩm và an toàn môi trường sản xuất, mới có thể được các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản lựa chọn. Vì vậy, Huy Long An lựa chọn hướng sản xuất tuần hoàn từ nuôi bò, sử dụng phân bò đã được xử lý bằng men vi sinh, bón cho vườn chuối và bưởi da xanh, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ.

Ngoài ra, các phế phẩm từ vườn chuối được chế biến để làm thức ăn cho các ao cá trong trang trại Huy Long An. Như vậy, với phương thức sản xuất tuần hoàn này, trang trại Huy Long An tự xử lý tất cả các chất thải từ chăn nuôi đến trồng trọt thành những chế phẩm hữu ích cho trang trại. Cách làm này không bỏ đi một loại phế phẩm nào, vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa an toàn cho môi trường.

*Hướng đến phát triển đa giá trị

Phát triển nông nghiệp xanh hiện đang là chiến lược, hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tạo nên một mô hình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, những người sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khó có thể làm được. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài về các lĩnh vực phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguồn nguyên liệu một số phân ngành phục vụ cho chế biến còn phải nhập khẩu lượng rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam muốn hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thì chính người sản xuất phải thoát khỏi chính “khế ước vật tư nông nghiệp” ngầm, thoát khỏi quy luật ngầm mua chịu phân bón, vật tư nông nghiệp của các đại lý, đến lúc thu hoạch mới thanh toán. Chỉ có như vậy, người sản xuất mới chủ động lựa chọn cách sản xuất mà mình muốn.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để đưa người sản xuất vào một nhóm liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Từ đây, người sản xuất có được một chuỗi liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp thu mua, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng mà không phụ thuộc vào các “khế ước” như trước đây.

Để phát triển một nền nông nghiệp xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm vô cơ chuyển dần sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, có 30% thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục sản xuất, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt 20% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm.

Sản xuất nông nghiệp xanh là phương pháp phát triển nông nghiệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa bảo vệ sức khỏe môi trường sản xuất, bảo vệ môi trường sống của con người, nên sẽ có những hạn chế về năng suất. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp xanh song song với phát triển nông nghiệp đa giá trị, kết hợp 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Phát huy 3 trụ cột có thể giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mọi sự thay đổi sẽ gặp phải khó khăn, nhưng nếu không thay đổi, thì thế hệ tương lai sẽ khó khăn hơn và trả giá lớn hơn cho những phương pháp sản xuất lạc hậu, cũ kĩ. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Mà để có một nền nông nghiệp sinh thái, thì trước hết cần phải có những người nông dân sinh thái, mới có thể thay đổi được nền nông nghiệp hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục