Hướng đi mới cho du lịch Việt Nam
Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững.
Du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng (tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam diễn ra ngày 12-9-2019), du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mạnh với lượng du khách quốc tế tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,8%/năm.
Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015, đóng góp trực tiếp đạt 6,96% vào GDP. Hai năm sau đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017, đóng góp trực tiếp ước đạt 8,5% vào GDP.
Nếu không có diễn biến bất thường, năm 2019 du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao, đón 18 triệu lượt du khách quốc tế. Trong 11 tháng của năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó lượng khách quốc tế đến châu Á-Thái Bình Dương tăng khoảng 6%, đến Đông Nam Á tăng khoảng 5%.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của WEF, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017, năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (+15); sức cạnh tranh về giá (+13); hạ tầng hàng không (+11) so với năm 2017.
Năm 2019, Việt Nam được UNWTO xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới.
Việt Nam được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.
Hạ tầng ngành du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp…
Nhưng chưa bền vững và hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2019, du lịch chứng kiến nhiều bước tăng trưởng ấn tượng, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều áp lực, thách thức với Chính phủ, các bộ, ngành cùng các doanh nghiệp vì sự tăng trưởng nóng lại chưa đi kèm với các yếu tố bền vững và hiệu quả.
Bài toán nâng cao năng suất lao động, ứng dụng các nền tảng công nghệ, liên kết và hợp tác theo chuỗi, tăng cường trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường là những vấn đề rất nóng trong nhiều ngành nhưng với du lịch, dịch vụ và hàng không càng quan trọng hơn.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và còn có ảnh hưởng lớn tới các ngành có mối quan hệ chặt chẽ với du lịch như hàng không, bất động sản, thương mại-dịch vụ.
Nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (10-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình hơn 1.000 USD cho một chuyến 9 ngày.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nguyên nhân là do sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng...”.
Ông cho biết: “Du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để, như: Công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành, chưa thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động; hạ tầng sân bay có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch; chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Tìm hướng đi mới
Lần thứ hai được tổ chức, Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam đã thảo luận nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề cấp thiết của ngành du lịch.
Theo đó, bốn phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn đã đồng thời diễn ra vào sáng 9-12, gồm: "Tổ chức lại hoạt động quảng bá, truyền cảm hứng cho du khách”, “Cải thiện quá trình lập kế hoạch-đặt dịch vụ của du khách”, “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” và “Việt Nam làm gì để phát triển Hàng không-chắp cánh cho du lịch”).
Đây là các phiên họp chuyên sâu về những vấn đề đang còn khó khăn, "nút thắt" của ngành du lịch Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế cùng “hiến kế”, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong đó tại phiên toàn thể, Diễn đàn tập trung thảo luận về 2 chủ đề. Đó là giải pháp để tạo dựng một Việt Nam tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, người dân thân thiện mến khách, nhằm cải thiện thứ hạng của du lịch Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Bên cạnh đó là giải pháp thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển lượng và về chất, tập trung khai thác các thị trường khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp công tác xúc tiến quảng bá du lịch; thu hút mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia các hoạt động quảng bá. Phấn đấu cùng với khu vực tư nhân thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm.
Và chủ đề thứ hai là tập trung xây dựng mối quan hệ hữu cơ và gắn bó chặt chẽ giữa phát triển ngành hàng không và chắp cánh cho du lịch với nhiều giải pháp.
Trong đó có giải pháp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực đón tiếp, chất lượng dịch vụ hàng không tại các sân bay để tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch.
Đây là chuyên đề đặc biệt của năm 2019 nhằm đưa ra giải pháp đảm bảo tính bền vững cùng sức hút của du lịch Việt Nam.
Còn với slogan "Vietnam Timeless Charms" (Việt Nam vẻ đẹp bất tận), có ý kiến đề cho rằng slogan này còn khá chung chung chưa thể hiện được đặc thù của du lịch Việt Nam; slogan của ngành du lịch phải có sức khái quát cao để có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ sau đó.
Việc quan trọng là gợi mở và truyền đạt ý nghĩa của slogan và logo đến với đông đảo du khách. Slogan cần được phát triển ra nhiều nhánh phụ để thể hiện và làm rõ những đặc thù của du lịch Việt Nam.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra quốc tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Công tác này dù được đánh giá là có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do kinh phí hạn hẹp.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đã ra đời, được coi là bước tiến lớn nhằm hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá nhưng đến nay quỹ vẫn chưa thể vận hành. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, đây cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ.
Mô hình của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nên quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng các sáng kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp trong, ngoài nước tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực để tạo sự bứt phá, bền vững, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng: Bứt phá bằng tư duy và tầm nhìn mới
07:43' - 23/01/2020
Sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng: Bước chuyển mình từ hội nhập
08:05' - 22/01/2020
Qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
-
Kinh tế Việt Nam
Du lịch Việt Nam lập kỳ tích, đón khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay
17:19' - 27/12/2019
Thông tin do Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 27/12 cho thấy: Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đã vượt 8 triệu tấn
17:25' - 24/11/2024
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21' - 24/11/2024
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26' - 24/11/2024
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44' - 24/11/2024
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55' - 24/11/2024
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06' - 24/11/2024
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50' - 24/11/2024
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.