Quy hoạch lại để ngành chăn nuôi tránh tăng trưởng nóng

10:54' - 19/08/2017
BNEWS Rút kinh nghiệm từ chăn nuôi lợn vừa qua, cần tính toán lại một cách căn cơ, điều kiện cho người chăn nuôi thường xuyên đảm bảo được thu nhập.
Ông Hoàng Thanh Vân Cục trưởng Cục chăn nuôi phát biểu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Giá thịt lợn trên thị trường đang hồi phục tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Trong khi đó, người chăn nuôi lại có xu hướng tái đàn để đón đầu dịp cuối năm.

Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dư thừa nguồn cung như đã xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chia sẻ với phóng viên TTXVN những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới.

BNEWS/TTXVN: Ông có thể đánh giá khái quát tình hình chăn nuôi lợn trong thời gian qua ?

Ông Hoàng Thanh Vân: Từ cuối năm 2016, chăn nuôi lợn có chiều hướng phát triển mạnh, tổng đàn lợn có khoảng 29,2 triệu con. Số đàn lợn tăng hơn so với các năm trước khoảng 4%.

Sang năm 2017 đàn lợn có dấu hiệu tăng tiếp, đặc biệt, khoảng đầu tháng 3/2017 số lượng đàn lợn đến thời điểm xuất chuồng rất nhiều. Do đó, giá thịt lợn giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6/2017, có lúc giá xuống thấp nhất khoảng 20.000 đồng/kg lợn hơi.

Việc giá thịt lợn giảm sâu có rất nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất là khi chăn nuôi đến thời điểm nhất định thì đàn lợn bị dư thừa do không tiêu thụ hết. Tình trạng dư thừa đàn lợn xảy ra ở tất cả các khu vực chăn nuôi của cả nước.

Chính vì vậy, người chăn nuôi phải bán đàn lợn để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cùng lúc đưa đàn lợn ra thị trường bán ở một thời điểm, làm cho giá giảm liên tục.

Trong khi đó, chăn nuôi theo chuỗi liên kết đồng bộ chưa nhiều, do đó, người chăn nuôi chỉ biết "chờ" thương lái đến mua, việc điều tiết thị trường bị phụ thuộc vào thương lái...

Trong vòng khoảng 15 ngày qua, giá lợn tăng gấp 2 lần so với trước đó; từ 20.000 - 22.000 đồng/kg tăng lên 40.000 - 45.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng lên 50.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá lợn tăng mạnh là do thời điểm này người chăn nuôi đang bán hết đàn lợn để tránh lỗ thu hồi vốn, do vậy số lượng đàn lợn giảm nhanh. Hiện cả nước đã giảm được khoảng 1,5 - 1,6 triệu con, tổng đàn lợn của cả nước còn khoảng 27 triệu con.

Bên cạnh đó, trên thị trường tại một số nơi nguồn cung bị thiếu cục bộ, gây hiện tượng khan hàng giả. Trong khi đó, khi giá tăng thì lại có một số trang trại găm hàng, chờ giá tăng tiếp. Cuối cùng, việc điều tiết thịt lợn tại các khu vực không kịp thời.

BNEWS/TTXVN: Thời điểm này, người nuôi lợn đang tính toán đẩy mạnh đầu tư tái đàn đón đầu dịp lễ, Tết cuối năm. Điều này có hệ lụy gì không thưa ông?

Cảnh báo tình trạng chăn nuôi lợn ồ ạt tại Đồng Nai. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Ông Hoàng Thanh Vân: Theo đánh giá thì số lợn hiện nay đủ cho tiêu dùng trong nước, Cục Chăn nuôi đã có khuyến nghị với các địa phương rà soát lại đàn lợn tại khu vực để có khuyến cáo cho người chăn nuôi tại khu vực đó quyết định đầu tư tái đàn hay không.

Trong tình hình hiện nay, cả nước còn khoảng 3,8 triệu con lợn nái, với số lượng như vậy mà chăm sóc tốt thì đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường từ nay đến Tết. Do vậy, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc đầu tư tái đàn và cần theo dõi kỹ diễn biến thị trường.

Đồng thời căn cứ vào hệ thống thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng khi giá tăng cao người chăn nuôi vào đàn cùng một lúc, sau đó lại có lợn bán cùng một thời điểm.

Điều này khiến tình trạng dư thừa, giá lại giảm, gây thua lỗ. Đặc biệt, người chăn nuôi cần bình tĩnh, tập trung nâng cao chất lượng đàn lợn hiện có và đảm bảo an toàn dịch bệnh, đủ cung cấp cho thịt trường liên tục theo chu kỳ ổn định.

BNEWS/TTXVN: Thưa ông, đâu là giải pháp để hạn chế “tăng trưởng nóng” của ngành chăn nuôi thời gian qua?

Ông Hoàng Thanh Vân: Đúng là ngành chăn nuôi đang có tình trạng "tăng trưởng nóng" trong 2 năm trở lại đây trên tất cả các vật nuôi.

Đến thời điểm này, ngoài đàn lợn thì chăn nuôi gia cầm cũng đang có tốc độ tăng trưởng khoảng từ 6 - 6,6%/năm; đàn bò, bò sữa cũng tăng rất mạnh.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ chăn nuôi lợn vừa qua, cần tính toán lại một cách căn cơ, điều kiện cho người chăn nuôi thường xuyên đảm bảo được thu nhập.

Giải pháp là phải quy hoạch lại và theo đó, về phía Trung ương thì chỉ quy hoạch vùng sản xuất, ở những nơi có điều kiện phát triển chăn nuôi. Còn lại, chính quyền UBND các cấp, căn cứ vào điều kiện tự nhiên tại địa phương để quy hoạch lại đối tượng vật nuôi nhằm hạn chế "tăng trưởng nóng".

Bên cạnh đó, phải có sự quản lý về tổng các đàn vật nuôi, tuy nhiên hiện nay luật không cấm người chăn nuôi nuôi con gì mà chỉ cần đáp ứng các điều kiện Nhà nước yêu cầu. Do đó, định hướng về chăn nuôi thì từng địa phương phải có các cảnh báo cho người chăn nuôi, có nên quyết định đầu tư hay không.

Đặc biệt, nhất thiết phải chăn nuôi theo chuỗi và có truy xuất nguồn gốc, vì qua đó người chăn nuôi mới biết sản phẩm của mình làm ra có bán được hay không.

Bán ra lãi hay lỗ sẽ biết được ngay và tránh tình trạng ồ ạt cùng vào đàn ở một thời điểm. Đồng thời, bám sát cơ chế thị trường, không chỉ ở trong nước mà cả các nước xung quanh.

BNEWS/TTXVN: Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cảnh báo gì với người chăn nuôi về tái đàn hay mở rộng quy mô chuồng trại hay không, thưa ông ?

Ông Hoàng Thanh Vân: Chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo cho việc tái đàn hay không trong dịp tới. Do đó, người chăn nuôi cần tỉnh táo sau cơn bão giá vừa qua, quyết định cho việc chăn nuôi giai đoạn mới từ nay đến Tết và năm sau.

Người chăn nuôi cũng cần tính toán, liên kết nhau lại, nhỏ nhất là tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, nắm chắc được sản lượng sẽ sản xuất ra bán cho ai, ai là người tiêu thụ. Đây là khâu quan trọng, quyết định cho việc chăn nuôi tốt hay không ?

Bên cạnh đó, việc mở rộng đàn phải căn cứ vào thực tiễn của thị trường, trên cơ sở đó quyết định tăng hay giảm quy mô đàn nái, có thể tiếp cận sản xuất bền vững. Đồng thời, tiếp cận thông tin từ chính quyền địa phương, cơ quan kỹ thuật tại cơ sở.

Đối với người chăn nuôi đang có lợn đến tuổi xuất chuồng thì nên bán ngay. Bởi với mức giá như vậy đã đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi rồi, tránh tình trạng "găm hàng" gây sốt ảo, thiếu cục bộ, tạo hiện tượng tâm lý.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tăng cường quản lý giết mổ, quản lý thị trường, trên cơ sở đó mới điều tiết được thị trường, không ảnh hưởng đến giá cả.

BNEWS/TTXVN: Vậy ông dự báo như thế nào về thị trường chăn nuôi trong thời gian tới?

Ông Hoàng Thanh Vân: Thực tế, hiện nay dự báo thị trường thời gian tới là tương đối khó. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận trên khía cạnh, sức tiêu thụ thịt lợn hiện nay khoảng 300.000 tấn/tháng, cộng với khoảng 150.000 tấn thịt các loại khác.

Như vậy, theo tính toán của Cục, từ nay đến Tết, lượng gia cầm và trứng đủ cung cấp cho thị trường. Riêng đối với thịt lợn đủ cung cấp cho thị trường. Dự báo, từ nay đến Tết giá chỉ biến động quanh mức 36.000 đồng/kg lợn hơi.

BNEWS/TTXVN: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục