Hương Quảng Phú Cầu: Mùi Tết, mùi Xuân về

17:22' - 05/02/2019
BNEWS Mỗi khi nén hương đen Quảng Phú Cầu được thắp lên, khói của hương thơm ngát, hòa quyện với mùi của trái cây cùng với mâm cỗ tạo thành mùi vị đặc trưng mỗi khi Tết đến Xuân về.
Bức ảnh chụp tại làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Kiệt được đăng trên tạp chí National Geographic tháng 6/2017.

Người Việt quan niệm, thắp một nén hương lên ban thờ là thể hiện sự thành kính đối với tổ tiên, thần linh. Từ xa xưa nén hương đã đi vào đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống và thiêng liêng.

Để phục vụ nét đẹp tâm linh đó, người dân làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội) đã gửi cả tâm hồn mình vào những sản phẩm để mang đến sự an lành cho người tiêu dùng, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Người làm hương phải có tâm

Làng nghề truyền thống tăm hương Quảng Phú Cầu nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km. Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm nay. Với phương thức làm hương dân gian cổ truyền, người dân ở Quảng Phú Cầu đã làm ra những nén hương có màu đen tự nhiên và khi thắp lên có mùi hương đậm đà, thanh khiết.

Trong những ngày cuối năm, khắp các con đường ở Quảng Phú Cầu nổi lên hai màu đỏ và đên: đỏ là màu của chân hương, đen là màu của thân hương. Những người thợ làm hương ở xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, hương liên quan đến thế giới tâm linh nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả và các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch.

Để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre hoặc vầu, vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Và để có được những cây hương, những người làm hương phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có một sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhựa trám sau khi mua về được lọc sạch tạp chất, rồi trộn với than của các loại thảo mộc được nghiền mịn, tới khi được một hỗn hợp dẻo mịn mới đem se với tăm hương. Hương làm xong được phơi dưới nắng từ 1 đến 2 ngày để giữ được hương thơm tự nhiên.

Nếu hương được sấy khô sẽ làm “bay” đi mùi hương đặc trưng. Theo người dân nơi đây, từ những nguyên liệu tự nhiên, khi hương đen được thắp lên sẽ có hương thơm dịu nhẹ, không sực nức mà thoang thoảng, nồng nàn, đặc trưng của nhựa trám rừng.

Đặc biệt, mỗi khi nén hương đen được thắp lên, khói của hương thơm ngát, hòa quyện với mùi của trái cây như chuối, bưởi, hồng, na… cùng với mâm cỗ, xôi nếp, bánh chưng tạo thành mùi vị đặc trưng, mùi hương ấy trở nên thân thuộc với mỗi người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về.

Cũng với thời gian, hương đen ở Quảng Phú Cầu cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Ngày nay trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công đoạn làm hương đã được làm bằng máy.

Nguyên liệu vẫn là nhựa cây trám rừng cùng với thảo mộc thiên nhiên, nhưng ngày nay, hương đen được làm đẹp hơn, có mẫu mã, bao bì và được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống.

Theo người dân nơi đây: “trước kia, ở Quảng Phú Cầu làm hương đen hoàn toàn thủ công nên khá vất vả. Nhưng hiện công đoạn se hương đều được sử dụng máy móc hiện đại nên sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15-20 kg hương mỗi ngày.

Hương Quảng Phú Cầu được người tiêu dùng ưa chuộng

Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm. Ban đầu nghề này chỉ tập trung ở làng Phú Lương Thượng, nhưng vài năm trở lại đây nghề đã được mở rộng ra 5 thôn còn lại của xã gồm: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.

Xuất phát chỉ là nghề phụ, làm khi nông nhàn nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề này phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút 70% số hộ dân tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ. Nhờ sự phát triển của nghề làm hương, Tết của người dân Quảng Phú Cầu đã tươm tất và đủ đầy hơn.

Hiện nay, sản phẩm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn có mặt ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Theo người dân nơi đây, trước đây hương ở Quảng Phú Cầu chỉ sản xuất để phục vụ thị trường trong huyện và một số tỉnh lân cận.

Nhưng từ khi hương ở Quảng Phú Cầu được những nghệ nhân trong xã giới thiệu ở Lễ hội 1000 năm Thăng Long nên được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, các cơ sở sản xuất hương ở Quảng Phú Cầu có các đơn hàng xuất khẩu đi Ấn Độ, Trung Quốc…

Làng hương Quảng Phú Cầu đã góp phần để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang trầm, nhang quế trên bàn thờ gia tiên mỗi khi Tết đến xuân về./.

>>> Các lễ cúng trong dịp Tết Nguyên đán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục