Hướng tới cơ chế đặc thù đầu tư phát triển năng lượng

15:40' - 22/07/2020
BNEWS Năng lượng đang trở thành ngành kinh tế năng động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn mình trở thành ngành kinh tế có quy mô lớn, phát triển năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, để phát triển ngành năng lượng lớn mạnh, rất cần xây dựng các cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng cũng như cơ chế tài chính và huy động vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện…

 

* Đan xen tiềm năng và thách thức
Tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020: Triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55) được tổ chức ngày 22/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đồng thời bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, năm 2019, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 240,1 tỷ kWh, công suất đặt nguồn điện hệ thống điện quốc gia đạt xấp xỉ 56.000 MW. Sản lượng dầu thô đạt 13,1 triệu tấn (trong nước đạt 11,07 triệu tấn, ngoài nước đạt 2,03 triệu tấn) và khí đạt 10,2 tỷ m3; sản lượng khai thác than đạt 44,9 triệu tấn (Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt khoảng 39 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc đạt khoảng 5,9 triệu tấn).

Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, đầu tư thích đáng cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực tế phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn so với kỳ vọng.

Trong số ít doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực tuy đầy tiềm năng, nhưng cũng không ít thách thức này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam được nhận định là “cánh chim đầu đàn”, doanh nghiệp tiên phong, tham gia tích cực vào sự nghiệp năng lượng nước nhà.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết, trong thời gian dài, công ty theo đuổi triết lý “phải phát triển nguồn công suất phát điện”, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh này đã “cởi” được nút thắt đó.

Theo ông Tiến, có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết 55 khiến khu vực tư nhân quan tâm. Đó là tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, là sự khẳng định rất mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về sự không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực. Đồng thời, tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

“Hai điểm này đã làm cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đã và đang tham gia vào ngành năng lượng vui mừng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Trung Nam rất mong chờ những cơ chế cụ thể, tạo ra một hành lang pháp lý để triển khai và cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong đầu tư phát triển năng lượng”, ông Tiến cho biết.

Cũng là doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng, ông Trần Sỹ Chương - Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG đánh giá, Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là bước đột phá, xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực và cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành năng lượng trong những năm tới”.

Theo ông Chương, Nghị quyết 55 cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa nguồn đầu tư vào ngành năng lượng, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế,đặc biệt là kinh tế tư nhân trong sản xuất, truyền tải điện.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch; trong đó có cả điện khí. “Điện khí là một tiềm năng rất lớn và chính là nguồn để giải quyết được vấn đề năng lượng, ngoài các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió cho 20 năm tới”, ông Chương nhấn mạnh.

* Cần những đột phá

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Để Nghị Quyết 55 đi vào cuộc sống, được triển khai một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì toàn bộ tinh thần của Nghị quyết, những nội dung tổng quát, các khía cạnh cụ thể của Nghị quyết cần phải được nghiên cứu và quán triệt đầy đủ.

“Những nét mới, những điểm đột phá của Nghị quyết như phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí...; tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng cần được cụ thể hóa bằng các Chương trình hành động, Nghị quyết cụ thể của Chính phủ.”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động.

“Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển ổn định, bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, các khảo sát của UNDP với một số ngân hàng, tổ chức và nhà đầu tư lớn được thực hiện trong năm 2018 và năm 2020 cho thấy, sẽ có khoảng từ 10 - 15 tỷ USD có sẵn để đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng ở Việt Nam nếu các rào cản chính được giải quyết.

Theo đó, mối quan ngại vẫn tồn tại được đưa ra bởi các nhà đầu tư quốc tế là Thỏa thuận mua bán điện (PPD) hiện cần được cải thiện hơn nữa để giảm rủi ro cho những người cho vay mà những rủi ro này đã ngăn họ thực hiện các cam kết dài hạn. UNDP đề xuất đẩy mạnh thí điểm và áp dụng các chính sách về cơ chế thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát triển năng lượng tái tạo và người tiêu dùng cuối cùng.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng cao năng lượng mới và tái tạo, Tập đoàn đang nghiên cứu, xây dựng hệ thống điện bảo đảm bù đắp phần thiếu hụt vào giờ cao điểm mà điện mặt trời và điện gió không phát được. Theo đó, Tập đoàn nghiên cứu xây dựng các nhà máy điện như thủy điện tích năng với công suất 1.200 MW ở khu vực Ninh Thuận - trung tâm điện gió và mặt trời.

Ngoài ra, Tập đoàn phối hợp với công ty tư vấn nước ngoài để nghiên cứu, tính toán, lắp đặt hệ thống tích điện trên toàn hệ thống lưới điện quốc gia nhằm bảo đảm tích trữ năng lượng mới và tái tạo khi vận hành vào giờ cao điểm hoặc khi không có năng lượng mặt trời, nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đủ điện và hệ thống điện vẫn vận hành an toàn, ổn định. Theo tính toán, khả năng phát triển năng lượng mới và tái tạo đáp ứng được khoảng 20% hệ thống vận hành điện truyền tải, giải tỏa hết công suất nguồn năng lượng mới và tái tạo.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, lợi ích kinh tế tư nhân và quốc gia phải hài hòa gắn với hành lang pháp lý. Trước nay điện vẫn là lĩnh vực độc quyền, để bỏ sự độc quyền đó thì cần xây dựng lại hành lang pháp lý và doanh nghiệp đang trông chờ điều đó. Nếu không giải quyết vấn đề này, tư nhân chỉ tham gia "vùng hẹp".

“Tư nhân sẽ không hi sinh tất cả, tư nhân phải thấy có lợi ích thì họ mới làm, càng lợi ích nhiều thì tư nhân càng tham gia nhiều.”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Trước những vấn đề khó khăn của ngành năng lượng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế; trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Các Bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật dưới các luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.

Các đơn vị tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và Chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Chính phủ sẽ giao các cơ quan tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phải được phê duyệt ngay trong năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Đến nay, ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm bám sát các chủ trương, định hướng, giải pháp tại Nghị quyết 55; trong đó, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026 - 2030. Các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thí điểm mô hình thị trường cạnh tranh phân phối khí đường ống hạ nguồn, từng bước đồng bộ thị trường khí với thị trường điện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục