Hướng trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu

12:43' - 14/05/2024
BNEWS Với quan điểm sản xuất nông nghiệp phải gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, xác định, Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, dần hình thành nền nông nghiệp giá trị cao.

Xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao

Với quan điểm sản xuất nông nghiệp phải gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có lợi thế theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực. Trong số đó, nhóm sản phẩm tham gia nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia gồm: lúa, gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm và tôm được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Đặc biệt, ngành ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị đồng bộ gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu quốc gia; tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh Thái Bình đã và đang hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, công nghệ kỹ thuật cao, quy mô hàng trăm ha/vùng và là tỉnh luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi; trong đó, có khoảng 20% số trang trại có thu nhập từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thành chuỗi sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả có sức cạnh tranh cao.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung tổ chức sản xuất lúa, gạo theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; phù hợp với nhu cầu thị trường; đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực, tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, GRDP nông nghiệp đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 2,2%/năm; 60% diện tích canh tác được liên kết sản xuất có bao tiêu sản phẩm.

“Khát vọng” vươn ra biển lớn

Nhằm phát huy lợi thế hơn 50km bờ biển, định hướng phát triển trong tương lai của Thái Bình là mở không gian phát triển thông qua hoạt động “lấn biển”; trong đó, tạo đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển. Đây là những điểm mới, đột phá được xác định trong Quy hoạch của tỉnh Thái Bình. Qua đó, phấn đến năm 2050, Thái Bình trở thành địa phương phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình, không gian hướng biển xác định khu lâm nghiệp diện tích là 5.386 ha; trong đó, diện tích trong địa giới 1.049 ha và diện tích ngoài địa giới 4.337 ha (2.089 ha rừng phòng hộ, 2.248 ha rừng đặc dụng). Quy hoạch cũng chỉ rõ, khu ven biển có trách nhiệm bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng.

Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã được quy hoạch để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng... là “bức tường xanh” trải dài, che chắn cho suốt dải bờ biển Thái Bình.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình sẽ phát triển điện gió ven biển khu vực giáp Khu du lịch Cồn Đen và giáp cửa Trà Lý; xây dựng Nhà máy điện gió 70 MW.

Phát triển cảng biển Thái Bình, trọng tâm là khu bến cảng ngoài cửa sông tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn. Thái Bình sẽ xây dựng 3 khu bến cảng là Khu bến Diêm Điền, Khu bến Trà Lý và Khu bến Ba Lạt; đồng thời, xây dựng 2 cảng cạn ở phía Bắc và phía Nam Khu kinh tế.

Tỉnh Thái Bình quy hoạch khoanh vùng huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải nằm trong Khu kinh tế là vùng động lực chủ đạo của tỉnh Thái Bình; trong đó, tập trung phát triển kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ thương mại, du lịch và thủy - hải sản; khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; hạ tầng đô thị và nhà ở; nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Thái Bình cho biết, khu kinh tế Thái Bình đã hình thành và nhanh chóng khẳng định được vai trò là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế, góp phần thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, mở ra triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của miền Bắc và tiếp tục phát triển hướng mạnh ra biển, tạo không gian mới để định hình và phát triển các ngành, lĩnh vực đột phá, bắt nhịp theo xu hướng phát triển của đất nước...

Để đưa khát vọng đó thành hiện thực, theo Bí thư tỉnh Thái Bình, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình; trong đó, nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Mặt khác, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân; phát triển toàn diện Khu Kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục