"Hút" FDI công nghệ sạch, thúc đẩy tăng trưởng xanh

09:17' - 03/06/2023
BNEWS Việt Nam cần cộng hưởng được sức mạnh của các khu vực kinh tế cả trong và ngoài nước, đặc biệt là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khoảng 280 tỷ USD đã được giải ngân. Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào 1 trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút lớn nhất trong năm.

"Điều này đã chứng minh cho những thành công của Việt Nam trong nỗ lực của mình để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã và đang trở thành một khu vực kinh tế năng động và là một động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng. Giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang dõi theo Việt Nam - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam.

Còn ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, AEON đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2009 trước khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014. Môi trường đầu tư tại Việt Nam đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung, tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.

Ông Furusawa Yasuyuki cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi Việt Nam có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Đó là tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, do tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường… 5 tháng đầu năm 2023, các dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng 0,4 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm.

Đặc biệt, bước sang năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng giảm. Các doanh nghiệp trong nước khó khăn bủa vây khi thiếu đơn hàng, thanh khoản kém, động lực sản xuất yếu… Sản xuất và xuất khẩu đã sụt giảm, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đã hiện hữu.

Bởi thế, bài toán trong lúc này là làm sao tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư. Đó là: công nghệ cao, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo… ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.

 

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho biết, thời gian gần đây, điện mặt trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Với sự phát triển của công nghệ, giá thành sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái đã giảm đáng kể. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, ông Bùi Trung Kiên khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có.

Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư; đồng thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

"Vì vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường", Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho hay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thành Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp tục cải cách, làm sao tạo lập được môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thuận lợi về mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề. Cùng với đó, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước… nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư; trong đó, có các nhà đầu tư nước ngoài", Thứ trưởng Nguyễn Thành Trung cho hay.

Theo giới chuyên gia, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần cộng hưởng được sức mạnh của các khu vực kinh tế cả trong và ngoài nước, đặc biệt là khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, năng lượng tái tạo… Từ đó, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục