Hủy bỏ ObamaCare có thể khiến ngân sách Chính phủ Mỹ bị bội chi

17:05' - 25/04/2017
BNEWS Trong báo cáo công bố ngày 25/4, Quỹ Kaiser Family Foundation cho biết trong tài khóa 2017, các khoản hỗ trợ nói trên sẽ tăng lên khoảng 7 tỷ USD.
Hủy bỏ ObamaCare có thể khiến ngân sách Chính phủ Mỹ bị bội chi. Ảnh: reuters

Chi tiêu của Chính phủ Mỹ có thể bị "đội" thêm 2,3 tỷ USD vào năm 2018 nếu Quốc hội và Tổng thống Donald Trump quyết định không cung cấp các khoản hỗ trợ liên bang giúp người thu nhập thấp mua bảo hiểm y tế trong khuôn khổ Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, còn gọi là ObamaCare.

Trong báo cáo công bố ngày 25/4, Quỹ Kaiser Family Foundation cho biết trong tài khóa 2017, các khoản hỗ trợ nói trên sẽ tăng lên khoảng 7 tỷ USD, bao gồm các chi phí y tế trả bằng tiền mặt cho những người thu nhập thấp và mua bảo hiểm theo khuôn khổ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), cũng chính là ObamaCare.

Cũng theo báo cáo trên, Chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 10 tỷ USD bằng cách không chấm dứt các khoản hỗ trợ nói trên, song người dân Mỹ sẽ phải mua bảo hiểm y tế với mức giá cao hơn gần 20% để bù thiệt hại.

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ phải chi 12,3 tỷ USD để giúp chi trả chi phí bảo hiểm y tế cho người dân nước này, tăng tới 23% so với ngân sách liên bang ban đầu dành cho các khoản trợ cấp mua bảo hiểm y tế.

Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt các khoản hỗ trợ người thu nhập thấp mua bảo hiểm y tế như một biện pháp buộc các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ ngồi vào bàn đàm phán về dự luật chăm sóc y tế thay thế ObamaCare.

Ông Trump hối thúc phe Dân chủ chấp thuận thông qua khoản ngân sách dùng để xây bức tường ở biên giới với Mexico để đổi lấy ngân sách cho chương trình Obamacare, qua đó tránh cho một số cơ quan chính phủ nước này phải rơi vào cảnh "đóng cửa" vào ngày 29/4 tới, đúng ngày thứ 100 ông Trump lên nắm quyền.

Tuy nhiên, các nghị sĩ của đảng Dân chủ đến nay vẫn bác bỏ đề xuất này.

ObamaCare là thành tựu chính sách đối nội quan trọng của cựu Tổng thống Barack Obama.

Hiện các nghị sĩ của đảng Cộng hoà đang tìm cách bãi bỏ và thay thế chương trình này.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nhận định các cuộc thương lượng giữa hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội đang tiến triển tốt, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được thoả thuận.

Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa là nỗi ám ảnh thường trực trong các cuộc thương lượng liên quan đến ngân sách ở Quốc hội Mỹ.

Năm 2013, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong 16 ngày do tranh cãi liên quan đến ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ khí đó là ông Obama.

Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua dự luật ngân sách vào ngày 28/4 để chính phủ liên bang duy trì hoạt động đến ngày 30/9, thời điểm tài khoá 2017 kết thúc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục