Huy động gần 33.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu Chính phủ

16:16' - 08/02/2023
BNEWS Tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu tháng 1 đạt 32.832 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 96,56%, đạt 30,40% kế hoạch phát hành quý I và 8,21% kế hoạch phát hành năm 2023 của Kho bạc Nhà nước.
Trong tháng 1/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 8 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ phục vụ hoạt động huy động vốn của Kho bạc Nhà nước.

Tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu đạt 32.832 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 96,56%,  đạt 30,40% kế hoạch phát hành quý I và đạt 8,21% kế hoạch phát hành năm 2023 của Kho bạc Nhà nước.

Trái phiếu phát hành trong tháng 1 có kỳ hạn 10 năm và 15 năm, với tỷ trọng lần lượt là 49,74% và 50,26%. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành tại kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm liên tục qua các phiên, tại phiên cuối tháng, lãi suất huy động kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 4,36% và 4,56%, giảm lần lượt là 29 điểm và 24 điểm cơ bản so với phiên cuối cùng của tháng trước.

Như vậy, sau giai đoạn lãi suất huy động tăng liên tục từ tháng 2/2022 đến nay, lên mức cao nhất là 4,9%/năm trong tháng 12/2022, đã có xu hướng giảm trở lại trong tháng 1/2023.

Thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu Chính phủ tháng 1/2023 có tổng giá trị giao dịch đạt 65.790 tỷ đồng, bình quân phiên đạt 3.549 tỷ đồng/phiên, giảm 9,48% so với tháng 12/2022;trong đó,giao dịch mua bán thông thường (Outright) chiếm 53,74% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn lại là giao dịch mua bán lại (Repos).

Lợi suất giao dịch bình quân của trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 15-20 năm và 1 năm, hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,91% và 4,50%; giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 2 năm và 20-25 năm, hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,17% và 5,01%, cho thấy xu hướng tăng giảm đối lập của lợi suất giao dịch công cụ nợ.

Về kỳ hạn, các kỳ hạn trung và dài hạn là các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường, tập trung tại các kỳ hạn 10 năm, 7-10 năm, và 10-15 năm với tỷ trọng tương ứng là 20,18%; 19,11% và 12,85%.

Đối với giao dịch Outright, kỳ hạn 7-10 năm, 10 năm và 20-25 năm có tỷ trọng giao dịch lớn nhất. Đối với giao dịch Repos, kỳ hạn 10-15 năm và 10 năm được giao dịch nhiều nhất. Các số liệu thống kê nêu trên cho thấy thị trường chủ yếu giao dịch các công cụ nợ trung - dài hạn từ 7 năm trở lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục