IATA: Các hãng hàng không sẽ phải chờ vài năm để nhận máy bay, linh kiện mới

16:38' - 19/02/2024
BNEWS Theo Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh, những vấn đề về chuỗi cung ứng gây thách thức đối với ngành hàng không toàn cầu có thể tiếp diễn thêm vài năm nữa.
Phát biểu tại Hội nghị Hàng không Changi nhân dịp Triển lãm Hàng không Singapore, ông Willie Walsh cho biết ngành hàng không toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3,3% mỗi năm trong 20 năm tới. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể dẫn đầu với mức tăng trưởng 4,5% mỗi năm.

Song ông Walsh cho biết ngành này vẫn có khả năng phải đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng khiến các hãng phải chờ thêm vài năm nữa mới nhận được máy bay, động cơ và phụ tùng mới.

 
Theo Tổng Giám đốc IATA, sẽ có một số lượng đáng kể máy bay bị đình chỉ hoạt động từ năm 2024 đến năm 2025 và các hãng hàng không có thể gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch khi tồn tại nhiều yếu tố không chắc chắn về thời điểm kết thúc.

Trước đó, hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang kìm hãm ngành hàng không toàn cầu có thể kéo dài đến năm sau. Airbus cho biết tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện, thiết bị, chất bán dẫn, nhân công...vẫn tiếp diễn.

Công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) và các hãng hàng không vũ trụ khác cũng gặp rất nhiều khó khăn để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Cũng tại sự kiện trên, ông Walsh cho rằng ngành hàng không cần tăng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững và các chính phủ cần đưa ra chính sách khuyến khích hướng tới mục tiêu này.

Sau khi vượt qua đại dịch COVID-19, thách thức lớn nhất của các hãng hàng không là đạt được mục tiêu lượng khí thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Mặc dù hiện chiếm một phần tương đối nhỏ trong lượng khí thải toàn cầu, nhưng ngành hàng không phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc khử carbon. Rất có thể ngành này sẽ chứng kiến lượng khí thải của mình tăng vọt trong những thập kỷ tới nếu tốc độ giảm thải của lĩnh vực hàng không tụt hậu.

Ước tính ngành hàng không toàn cầu có thể cần khoảng 5.000 tỷ USD vốn đầu tư để thực hiện quá trình chuyển đổi. Phần lớn trong số đó là để xây dựng các nhà máy lọc nhiên liệu bền vững.

Ông Walsh cũng cảnh báo rằng hydro sẽ chưa thể sớm trở thành một dạng nhiên liệu động cơ thay thế khả thi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững.

Những rắc rối của Boeing liên quan đến máy bay 737 MAX đang đảo lộn các kế hoạch trong năm 2024 của ngành hàng không khi làm thay đổi đội bay và các mục tiêu mở rộng của các hãng hàng không do các cơ quan quản lý Mỹ đình chỉ hoạt động sản xuất dòng máy bay này.

FAA mới đây đã cấm Boeing tăng cường sản xuất máy bay 737 MAX. Lệnh cấm này của FAA có nghĩa là Boeing có thể tiếp tục sản xuất máy bay 737 MAX ở mức sản lượng hàng tháng như hiện nay, nhưng không được gia tăng. FAA không đưa ra ước tính nào về khoảng thời gian lệnh giới hạn trên có hiệu lực, và cũng không nói rõ số máy bay mà Boeing có thể sản xuất mỗi tháng.

Sự can thiệp chưa từng có tiền lệ nói trên của FAA vào kế hoạch sản xuất có thể làm chậm hơn nữa việc bàn giao máy bay mới cho các hãng hàng không và ảnh hưởng đến cả các nhà cung cấp, vốn đã bị thiệt hại từ sự cố trước đây với dòng máy bay MAX và đại dịch COVID-19.

Động thái nói trên có thể ảnh hưởng nhiều đến một số hãng hàng không. Nhiều hãng ở Mỹ gần đây cho biết đã điều chỉnh các kế hoạch trong năm 2024. Alaska Air Group, hãng hàng không vận hành chiếc máy bay 737 MAX 9 gặp sự cố mới đây, dự đoán lợi nhuận của công ty sẽ giảm 150 triệu USD trong năm 2024 do máy bay này bị đình chỉ bay gần ba tuần qua. Việc máy bay 737 MAX bị đình chỉ bay và khả năng máy bay mới được bàn giao trễ đã phủ bóng lên các kế hoạch gia tăng năng lực vận chuyển trong năm nay của Alaska Air.

Southwest Airlines đã thay đổi các kế hoạch với đội bay của hãng trong năm 2024 do các diễn biến nói trên và bất ổn trong việc cấp phép đối với dòng máy bay nhỏ hơn là MAX 7. Trước sự cố nói trên, Southwest dự đoán MAX 7 sẽ được cấp phép vào tháng Tư tới.

Trong khi đó, hãng hàng không United Airlines có 100 máy bay MAX dự kiến được bàn giao trong năm nay. United Airlines cảnh báo hãng này có thể bị lỗ nhiều hơn dự đoán trong quý I do lệnh cấm bay đối với máy bay 737 MAX. Giám đốc điều hành (CEO) Scott Kirby cho biết hãng này cũng sẽ xây dựng một kế hoạch đội bay mới vì dự chậm trễ của Boeing.

FAA đã cho phép máy bay MAX 9, hiện đang bị đình chỉ bay, được hoạt động trở lại khi hoàn tất quá trình kiểm tra. Đây là tin vui đối với các hãng hàng không vận hành máy bay này như Alaska và United Airlines. Hai hãng này đã phải hủy hàng ngàn chuyến bay và đang đặt mục tiêu vận hành trở lại máy bay này vào ngày 26/1.

Boeing đang tìm cách gia tăng sản lượng các máy bay cùng dòng với 737 MAX để đáp ứng nhu cầu và bắt kịp Airbus. Giới phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng việc thắt chặt kiểm soát các nhà máy của Boeing có thể cản trở khả năng gia tăng sản lượng loại máy bay nhỏ hơn là MAX 8, vốn là một nguồn doanh thu lớn đối với Boeing và nhiều nhà cung cấp.

Quá trình phục hồi ngoạn mục của ngành hàng không toàn cầu hậu đại dịch COVID-19 có thể sẽ sớm kết thúc. Các báo cáo gần đây cho thấy sự ổn định trên một số chỉ số chính của ngành hàng không, khi tốc độ tăng trưởng mạnh kết thúc và một kỷ nguyên bình thường mới bắt đầu.

Báo cáo tháng 12 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết: “Năm 2024 dự kiến sẽ đánh dấu sự kết thúc của đà tăng ấn tượng hàng năm, vốn là đặc trưng của giai đoạn phục hồi hậu đại dịch từ năm 2021 tới năm 2023”. Theo IATA, công suất bay toàn cầu dự kiến sẽ được khôi phục, với khoảng 40 triệu chuyến bay (tăng từ 38,9 triệu vào năm 2019), dự kiến sẽ chở kỷ lục 4,7 tỷ lượt khách (tăng từ 4,5 tỷ lượt khách vào năm 2019).

Theo công ty tư vấn AMEX GBT Consulting, khi nhu cầu du lịch giải trí giảm bớt và xu hướng du lịch "trả thù" kết thúc, cung và cầu trong ngành hàng không thương mại đang đạt trạng thái cân bằng, điều này sẽ giúp giá vé máy bay ổn định trong năm 2024.

Còn theo Báo cáo Thị trường Du lịch Triển vọng năm 2024 của công ty khai thác các dịch vụ du lịch BCD Travel, giá vé máy bay toàn cầu dự kiến sẽ giảm vào năm 2024, nhưng chỉ giảm nhẹ dưới 1% so với năm 2023, với giá vé máy bay đến và đi từ châu Á giảm rõ rệt hơn (3% cho hạng thương gia, gần 4% cho hạng phổ thông). Công ty này nói thêm: “Sau đợt tăng giá vé đáng kể gần đây, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ có một đợt điều chỉnh giá khiêm tốn ở một số thị trường vào năm 2024, mặc dù giá vé cơ bản nhìn chung vẫn ở mức cao".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục